.

Ông lão góc chợ

Chiều cuối tuần, chợ đông người vào ra. Chợ chiều lất phất vài giọt mưa khiến mọi thứ xung quanh tuy ồn ào nhưng cảm nhận buồn buồn một cảm giác khó tả. Nơi góc chợ, một cụ ông độ hơn 70 tuổi khoác bộ quần áo dài tay đã cũ, mái tóc bù xù, da đen nhăn nheo đưa một tay hướng về phía người khách đang tung tăng cùng hàng hóa. Như bao lần, tôi tỏ thái độ lắc đầu với “người ăn xin” và thản nhiên bước đi. Dẫu đôi lúc có chút mủi lòng trước cuộc sống của những người lấy nghề xin ăn kiếm sống, nhưng tôi vẫn muốn từ chối hành động này.

Một bước lướt qua mặt, khước từ bàn tay to bè, già nua vẫy tới mình mà không đôi chút dè dặt. Người bạn đi bên cạnh như hiểu ý, nghiêng vào tai tôi và nói: “Ông ấy không xin ăn”. Tôi quay đầu, chợt nhận ra chiếc đòn gánh đang được nắm chắc trong bàn tay còn lại đặt sát hông ông lão. Hóa ra, ở góc chợ này, ông dùng chiếc đòn gánh để gánh thuê hàng từ quầy ra xe cho khách. Ông vẫy tay để hỏi xem tôi có cần thuê ông không.

Chắc ông không nhớ nhiều đến cái lắc đầu của tôi, bởi bị khách hàng từ chối không còn lạ với ông nữa. Còn tôi, chỉ ước sao lúc đó trên tay mình không là gói mứt mà một thùng hàng chẳng hạn để nhờ ông chuyển ra xe giúp và gửi ông một số tiền. Muốn quay lại cho ông cái gì đó, nhưng tự dưng sợ làm tổn thương một cụ già cố mót tất cả sức lực để tự mình kiếm sống.

Trách mình mà cũng thương mình khi lòng tốt, sự cảm thương ở con người dần bị biến thành những điều ngờ vực. Hồi bé, tôi đã cho một người ăn mày số tiền quà sáng của tôi và ray rứt hoài hình ảnh người phụ nữ ấy phải ăn cơm nguội khô lạnh.
 
Để rồi, chẳng lâu sau đó, tôi biết rằng, người đàn bà ấy xuất thân từ một ngôi làng chuyên “kinh doanh” bằng nghề ăn xin. Lần khác, trong một tiệm ăn, tôi nhận được tấm giấy ghi dòng chữ: “Tôi bị bệnh bướu cổ nặng, nếu không chữa sẽ chết. Xin cứu tôi” từ vẻ mặt xanh xao, buồn não và đôi tay run rẩy của một người đàn ông. Tôi rút tiền biếu ông không chút do dự. Và khoảng nửa năm sau đó, cũng tại quán ăn này, vẫn là người đàn ông ấy, với mảnh giấy và gương mặt đầy lời kêu cứu…

Tiếc cho lòng thương nơi con người bị chính con người hủy hoại lẫn nhau. Có người dẫu đã cao tuổi, nhưng vẫn đầy lòng tự trọng và trung thực, và cũng có không ít  người đi lợi dụng lòng trắc ẩn để mà sống, nhiều khi không khổ chút nào.. 

Nghị Văn

;
.
.
.
.
.