.

Đến hẹn lại… tăng!

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp gần Tết là giá cả lại tăng đột biến; người tiêu dùng chỉ biết than trời, có thắc mắc thì người bán cũng chỉ giải thích: Vàng tăng, xăng dầu tăng, nguyên liệu đầu vào tăng và do biến động của giá cả thế giới… Những mặt hàng thực phẩm thiết yếu hằng ngày của người dân như dầu, gạo, đường… được vin vào lý do nguồn cung thiếu, giá đầu vào tăng (?) tăng giá đã đành, đến ngay cả những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu cũng tăng giá.

Chưa hết, chúng còn bị làm cho khan hiếm giả tạo bằng cách người buôn ém hàng, không xuất bán hoặc lấy lý do không có hàng để bán. Bia, rượu là những mặt hàng không nằm trong danh mục hàng thiết yếu, nhưng chúng gần như là thứ hàng hóa tiêu dùng trong phạm vi rộng (cả thị trường nông thôn và thành thị).

Những ngày bình thường, lượng bia, rượu trên thị trường vốn tiêu thụ đã mạnh, khi Tết đến, càng trở thành nỗi “ám ảnh” của không ít người tiêu dùng lẫn nhà kinh doanh. Mới sang đầu tháng 12, nhiều đại lý đã thông báo các loại bia tăng giá, cứ mỗi loại tăng vài ngàn đến vài chục ngàn đồng/thùng như Heineken, Sài Gòn.
 
Các đại lý ngồi tính toán làm sao để có nguồn hàng ổn định từ bây giờ để trữ sẵn, chờ thời cơ đỉnh điểm về giá là tung ra bán. Người dân thì lo lắng, không biết giá bia năm nay sẽ ra sao, trời mưa thì bia ế, còn trời nắng biết đâu “đi vét khắp các đại lý của thành phố cũng không còn để mua”.

Và mới đây, tại cuộc họp bàn biện pháp “chung tay” triển khai việc cung ứng hàng hóa nhằm bình ổn giá cả cuối năm tại Sở Công thương, cũng có đại diện một vài hãng bia lớn tham dự nhưng không ai phát biểu về hiện trạng này. Đến lúc này, lãnh đạo ngành Công thương buộc phải “đe” sẽ tiến hành kiểm tra kho hàng của các doanh nghiệp kinh doanh bia, nhằm làm minh bạch thị trường, chống việc đầu cơ, gây cơn sốt ảo ở mặt hàng này.

Ai cũng biết, để có hàng hóa phục vụ cho thị trường, nhà sản xuất năm nào cũng lên kế hoạch chi li lượng hàng đáp ứng đủ cho nhu cầu từng tháng, từng quý, từng năm và nhất là những thời điểm tiêu dùng mạnh như Tết.
 
Ở thị trường lớn như Đà Nẵng, bia, rượu năm nào cũng tràn ngập thị trường, trong khi đó, không hiểu sao chúng vẫn bị kêu thiếu. Cuối cùng, người tiêu dùng bao giờ cũng chịu thiệt bởi sự chi phối của giá cả. Hy vọng, việc mạnh tay xử lý hành vi đầu cơ tích trữ, gây bất ổn thị trường của cơ quan quản lý thị trường trong thời gian tới sẽ làm giảm được cơn sốt về giá cả cuối năm.    

XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.