Những ngày này, không thể đong đếm có tất thẩy bao nhiêu gói quà đã được gửi đến người nghèo, bệnh tật, neo đơn trên khắp mọi nơi. Chỉ biết rằng, phần lớn trong số quà tặng ấy do các doanh nhân hỗ trợ. Giá cả hàng hóa trên thị trường bị “trượt”, nên quà năm nay có vẻ cũng… trượt theo. Tôi thấy nơi nào quà cũng có giá trị cao hơn hẳn năm trước.
“Ngày xưa”, ngày mà tôi biết doanh nhân-nôm na là người làm ăn, buôn bán giàu có qua truyện cổ tích thì họ toàn đứng về… phe ác. Một người có của ăn, của để, rủng rỉnh tiền vàng thể nào cũng là tên gian tham, xảo trá, ưa bắt nạt kẻ yếu và khoác một bộ dạng mập mạp, nhìn phát ghét. Người nghèo bao giờ cũng hiền lành, được mọi người yêu thương. Có vẻ, cứ nghèo là đáng thương, giàu là đáng ghét. Nhưng đó chỉ là những câu chuyện nửa hư, nửa thực được người nông dân trong cảnh bần hàn, cơ cực dệt nên nhằm giải tỏa bao bức xúc và khát vọng cá nhân.
Ngày nay, tôi lại thấy những hình ảnh tưởng chừng như cổ tích mà lại ngược với cổ tích. Tôi thấy một bà cụ lưng còng, lọm khọm không còn nhớ rõ tên mình, nhưng lại nhớ chính xác ngày đi nhận quà Tết! Cụ đến đúng giờ và ôm khư khư gói quà trong đôi tay run run. Tôi nghe một người mẹ trẻ thỏ thẻ vào tai đứa con trai… bị điếc rằng: “Lát nữa vào bên trong, ngoan để nhận quà nghe con”. Món quà ấy, với những số phận này là cả sự mong mỏi và Tết như còn có điều gì đón đợi.
Đằng sau những niềm vui ấy là bóng dáng của các doanh nhân. Mỗi năm, họ cố làm được nhiều hơn, tặng được nhiều hơn nữa. Họ đã được biết bao lời khen dành cho nghĩa cử này, song cũng nhận không ít thị phi khi bị cho rằng đó chỉ là cách đánh bóng tên tuổi. Người ta có thể “đánh bóng” bằng hàng hiệu, xế hộp hay những vụ lình xình, đình đám. “Đánh bóng” mình bằng việc thiện, tại sao không? Chỉ mong sao, ngày càng có thêm nhiều người hăng hái “đánh bóng” theo kiểu này, để trong đời sống vốn còn nhiều nhọc nhằn lại được ru êm bằng những câu chuyện cổ tích không-của-ngày-xưa.
Nghị Văn