Mới đây, theo báo cáo của Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2, hiện còn một số thửa đất ở các khu vực Trung Lương, Cẩm Chánh và Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, nằm trong Dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, do thiếu diện tích so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “sổ đỏ” nên chủ hộ chưa cho kiểm định.
Riêng đối với khu vực 130ha ưu tiên để thi công Dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, hiện 43 thửa đất nông nghiệp có “sổ đỏ” (vòng 1) có 16 thửa không tìm thấy tên trong sổ đăng ký quản lý của phường, lập theo Nghị định 60/1994/NĐ-CP về quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở, và tờ bản đồ lập theo Nghị định này; 27 hộ còn lại không xác định được hiện trạng và vị trí thửa đất. Tại dự án Khu F (Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ) có 9 thửa nhà - đất ở, chủ hộ chưa cho kiểm định vì lý do đo đạc thiếu diện tích so với sổ đỏ…
Còn theo Trung tâm Đo đạc bản đồ thành phố, không chỉ 43 hộ có sổ đỏ đất nông nghiệp (vòng 1) không có tên trong sổ đăng ký, hoặc không xác định được hiện trạng, vị trí thửa đất, mà có đến 313 thửa đất chưa có “sổ đỏ” (vòng 2) cũng… không biết đang nằm ở đâu. Trung tâm đã rà soát kỹ, chỉ mới xác định được 103 thửa đất có liên quan. Còn việc một số hộ thiếu diện tích so với sổ đỏ, không phải Trung tâm Đo đạc bản đồ đo sai mà do đất trước đây được người dân hiến để bê-tông hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây trường học… nhưng sau đó chính quyền địa phương không ghi trong “sổ đỏ” và phần diện tích đất đã sạt lở xuống sông. UBND phường Hòa Xuân cho rằng, vào năm 2001 do UBND xã Hòa Xuân trước đây hoán đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư đã không điều chỉnh trong sổ đỏ và cả việc mở đường giao thông nội đồng, xây dựng Trường tiểu học Trần Văn Dư cũng không lập quyết định thu hồi đất và điều chỉnh trong sổ đỏ…
Mới đây, về kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và tiến độ thi công các dự án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã chỉ đạo UBND quận Cẩm Lệ chủ trì, phối hợp với Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 2, Trung tâm Đo đạc bản đồ, UBND phường Hòa Xuân… xem xét cụ thể các trường hợp thiếu diện tích đất, 43 hộ vòng 1 và 313 hộ vòng 2 không xác định được thửa đất thực tế, thống nhất phương án giải quyết, báo cáo thành phố, để sớm chi trả tiền cho các hộ giải tỏa, không để dân cản trở thi công.
Phương án giải quyết được đưa ra là các cơ quan chức năng cố gắng tìm các diện tích đất thuộc sở hữu của phường để quy chủ lại cho người dân, tiến hành ráp giá đền bù. Tuy nhiên, qua tiếp xúc thực tế và ghi nhận của chúng tôi, đang có dư luận nhân dân cho rằng có khá nhiều hộ khai khống thêm diện tích đất mặt nước, trồng lúa; có nhiều hộ không làm nông nghiệp nhưng cũng khai có đất nông nghiệp và có thửa đất nông nghiệp có 2-3 hộ cùng khai là của mình…; Những lời đồn thổi nói trên của người dân là có lý về nguyên nhân có đến 43 hộ vòng 1 và 313 hộ vòng 2 có hồ sơ mà không biết đất đang nằm ở đâu. Một số cán bộ tổ dân phố, cấp ủy địa phương cho rằng: Người dân và cán bộ lâu năm ở cơ sở biết rõ hộ nào khai khống thêm diện tích, hộ nào không có đất nông nghiệp nhưng cũng khai chồng lên đất của hộ khác…
Để chứng minh, một Bí thư chi bộ mở tủ lấy ra quyển sổ đã cũ sờn cất kỹ hơn 15 năm nay, từ thời ông còn làm trưởng thôn, tham gia thống kê, phối hợp lập hồ sơ đất cho bà con trong thôn, trong đó ông đã phô-tô nguyên sơ đồ thửa đất và ghi rõ hộ nào có đất và diện tích thửa đất. Giờ rất dễ đối chiếu hộ nào có đất, hộ nào ghi khống… Thậm chí có sơ đồ còn thể hiện được rõ phần diện tích đất đã bị sạt lở xuống sông Vĩnh Điện; diện tích đất của các hộ đã hiến để làm đường giao thông nội đồng…
Nên chăng các cơ quan chức năng cần mời các cán bộ thôn cũ, đặc biệt là thời kỳ kê khai, làm hồ sơ đất theo Nghị định 60/1994/NĐ-CP để truy lại các hồ sơ đất không biết đất đang nằm ở đâu, thiếu diện tích đất nói trên. Có thể làm việc này sẽ xảy ra đụng chạm hàng xóm láng giềng. Song cũng phải tiến hành để bảo đảm công bằng, không để một số người trục lợi chính sách giải tỏa đền bù.
Nghị Văn