.

Taxi hay xe ôm?

Sự việc đã xảy ra ở năm cũ 2010 nhưng xin kể ra đây để mọi người cùng suy ngẫm vì nó diễn ra cách đây chưa lâu.

Chuyện là, khuya ngày 22 rạng sáng ngày 23-12-2010, 6 người bà con của tôi từ Nam Định vào để dự đám cưới đứa cháu ở Đà Nẵng. Xe khách từ Nam Định đến Đà Nẵng vào khoảng 1 giờ  sáng. Cô cháu chờ cả đêm để được gặp mặt bố và anh chị, cứ đinh ninh đến lúc nào cũng có thể gọi taxi đến đón. Vậy mà không được như mong muốn. Xe dừng lại để khách xuống ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm, sau khi nhận được điện thoại, cô cháu bèn gọi taxi đến đón về nhà thì lạ thay, cả 3 hãng taxi của Đà Nẵng là Mai Linh, Sông Hàn và Hãng "mới tinh" là Vina Sun, sau khi nghe nói điểm đón là cầu vượt Hòa Cầm thì đều cho biết là không có xe!? Thật là vô lý! Cái giờ đó, khách rất ít, thậm chí là không có khách, vậy mà bảo không có xe? Riêng taxi Sông Hàn thì trả lời là không có xe đón ở khu vực đó. Còn Airport Taxi (Ta-xi Hàng không) thì tổng đài không bắt máy luôn. Vậy là, phương án tối ưu là ...xe ôm, đối tượng luôn nhiệt tình trong phục vụ “thượng đế” không kể đêm hôm khuya khoắt. Cuối cùng thì 6 người cũng đến nhà khi 2 giờ kém trên 3 chiếc xe máy với giá trọn gói là 150.000 đồng. 

Ngẫm lại thì thấy thật là vô lý, một thành phố vốn thân thiện và hiếu khách như Đà Nẵng. Bản thân tôi không biết giải thích sao cho mấy người bà con hiểu. Chuyện này chắc ở các thành phố khác không có. "Thượng đế" phải được phục vụ tối đa bất cứ lúc nào. Mà cũng đâu có quy định nào về việc taxi không đón khách vào ban đêm!? Trao đổi nỗi bực dọc này với mọi người thì có ý kiến cho rằng, do các tài xế taxi ngại chạy  ban đêm khi khách lạ gọi vì sợ bị cướp!  Chẳng lẽ Đà Nẵng lại mất an toàn đến vậy sao? Tuy nhiên, một nguyên nhân được nhiều người cho biết là một số khu vực như ngã ba Huế, cầu vượt Hòa Cầm... là “lãnh địa” của đội quân xe ôm, dân taxi chớ bén mảng đến khu vực này, nếu không muốn dính vào chuyện rắc rối, nhất là khi một mình chống lại "đội quân xe ôm" khá hùng hậu ở những nơi này. Chính vì vậy mà các hãng taxi khi nghe đón khách ở đây đều từ chối để đảm bảo "2 chữ bình yên". Lục lại quá khứ, thấy nguyên nhân kia là có cơ sở.
 
Cách đây gần 2 năm, cô cháu gái của tôi cũng chính là nạn nhân của đội quân xe ôm Hòa Cầm. Nhớ lại lần đó, cháu cũng từ quê vào, xe trả khách vào lúc nửa đêm ở chân cầu vượt Hòa Cầm, kêu taxi đến đón về nhà, bị mấy người chạy  xe ôm ở đây quây lại, dọa đánh tài xế, không cho cháu lên xe, cuối cũng xe phải bỏ chạy để lại đứa cháu đứng một mình. Đêm đó, tôi phải đi xe máy ra chở cháu về. Nhân sự việc đó, tôi có viết một bài trên báo nêu tình trạng này. Sau đó không lâu, đội xe thồ tự quản Hòa Cầm có phản hồi trên báo, nhận khuyết điểm và hứa không để tái diễn tình trạng đó nữa. Vậy mà... 2 năm sau, cũng chính cháu tôi (lần này là bố và anh chị) lại trở thành nạn nhân của đội quân xe ôm ngã ba Hòa Cầm này. Trớ trêu thay, đây lại là lực lượng được thành phố khen về thành tích tham gia đắc lực vào việc phòng chống trộm cướp, được báo đăng đài đọc, được  lãnh đạo thành phố tặng cho mỗi người 1 xe máy để hành nghề. 

Thiết nghĩ, hành vi đó chỉ làm xấu đi hình ảnh của thành phố Đà Nẵng, vốn được nhiều người từ các địa phương khác đến khen ngợi là thân thiện và mến khách những năm qua. Lỗi tại ai? Xe ôm hay taxi? câu trả lời đáng rất cần có lời giải.   
                                                                                        
Nghị Văn
;
.
.
.
.
.