.

Tình già

Dượng tôi bị bệnh. Tôi nói là bệnh người già vì bác sĩ đụng vào chỗ nào trên cơ thể dượng cũng thấy có cái để chữa. Vài lần, bác sĩ lắc đầu bảo người nhà nên đưa dượng về nhà dưỡng bệnh, hơn là đối đầu với hàng loạt ca phẫu thuật. Theo dự tính của họ, dượng sống được chừng một thời gian ngắn nữa thôi. Thế mà đã 5 năm trôi qua, tôi thấy dượng vẫn vậy, thậm chí có phần tươi tỉnh, khỏe mạnh hơn.

Từ khi dượng ngã bệnh, mấy năm nay, chiều nào tôi cũng bắt gặp hình ảnh cô dắt tay dượng đi dạo biển. Cô mặc cho dượng bộ đồ thật đẹp, sạch sẽ, mũ nón tươm tất như hai người sắp đi gặp mặt ai đó. Những ngày hè, cô mang áo mưa trải trên bờ cát ngồi hóng mát. Ngày đông, cô chuẩn bị ủng, khăn choàng tránh gió cho dượng. Trong nhà có đám tiệc, cô cũng chịu khó dắt dượng theo cùng, tỉ mẩn bón từng thìa để dượng có cảm giác hòa chung không khí đầm ấm của gia đình. Dượng không nói được, chỉ khóc khi buồn hoặc cười khi vui. Nhưng làn da hồng hào và ánh mắt bình thản cho tôi biết dượng mãn nguyện.

Cả đời cô và dượng khổ lắm. Họ vắt sức để lo cho cả chục đứa con. Thế nên, những khoảnh khắc thảnh thơi để hai vợ chồng nghĩ về cuộc sống riêng tư là điều xa xỉ. Vậy mà lúc này, họ lại như được trở lại thời son trẻ, tay trong tay tận hưởng những buổi chiều lang thang bên sóng nước. Cô nhỏ to tâm sự cùng dượng đủ điều. Cô cũng hay cười nhiều hơn như muốn truyền niềm vui cho dượng. Nhìn ông bà lão chầm chầm dìu nhau bên lề đường trong ánh chiều tà, tôi nghĩ nhiều cặp đôi trẻ tuổi đang “ghen tỵ” với hạnh phúc này. Cùng đi qua những gian khó, thăng trầm, để rồi khi bóng hoàng hôn của cuộc đời đổ xuống vẫn có thể bên nhau mỉm cười, vòng đời chạm nhau ở một nút thắt có hậu. Tôi trộm nghĩ.

Nghị Văn
;
.
.
.
.
.