.

Chuyện cái “phong bì”

Cũng như những dịp nghỉ lễ khác, chị Hiếu ở cạnh nhà tôi lại chuẩn bị cái “phong bì” làm quà tặng cô giáo. Chị Hiếu tâm sự: “dịp lễ nào cũng vậy, ngoài những ngày lễ như 20-11, 8-3, 20-10, thì những ngày Nhà nước cho nghỉ như ngày giỗ tổ 10-3, ngày 30-4, 1-5... cũng phải có chút quà tặng cho cô giáo”.
 
Hôm rồi, tôi cũng có anh bạn có đứa con mới đưa đi nhà trẻ, anh bạn cũng cho biết, ngoài tiền nộp học phí cho nhà trường, anh cũng tặng cho mỗi cô mỗi cái “phong bì”. Ngoài lý do thể hiện tình cảm, nhiều phụ huynh học sinh thường nghĩ rằng, đây là việc cần phải làm vì làm điều đó thầy cô sẽ quan tâm đến con mình nhiều hơn.

Chuyện cái “phong bì” từ tế nhị, dần dần cũng trở thành một đề tài bàn luận của các chị em có con nhỏ đi học đang giữa lúc thời vật giá tăng cao. Tuy nhiên, trên đây cũng chỉ mới dừng lại ở việc làm tự nguyện. Có ý kiến cho rằng, “phong bì” càng dày thì các cô càng yêu quý con mình, vậy phải chăng việc tặng “phong bì” và “theo phong trào” xuất phát từ chính các thầy cô giáo? Tôi đem chuyện này kể với đứa em là giáo viên thì được biết, phần lớn các thầy cô không để ý em nào tặng nhiều, em nào tặng ít. Hơn nữa, các món quà quá giống nhau như thế nên cũng khó đọng lại trong trí nhớ của các thầy, cô giáo. Các em học ngoan và học giỏi là một món quà lớn đối với thầy cô rồi. Tuy nhiên cũng phải nói thật là có một bộ phận các thầy cô giáo quá đặt cao chuyện đó và việc phụ huynh tự nguyện đi “phong bì” cũng dần dần tạo thành một tiền lệ xấu. Từ đó, cũng có không ít sinh viên cứ đến trước mùa thi, nhất là những môn học khó, là chung tiền đi “phong bì” để mong được thầy cô chiếu cố cho đủ điểm qua. Cũng có trường hợp, nếu không có “phong bì” thì gần như cả nửa lớp sẽ học lại môn của thầy.

Việc chúc mừng kèm món quà nhỏ là tự nhiên, thể hiện được tình cảm của người tặng với người nhận. Nếu “phong bì” ở mức độ nhất định, thể hiện tấm lòng thì có thể chấp nhận được. Với giá trị như vậy không đủ thực hiện hành vi tiêu cực. Tặng quà bằng vật dụng thì có vẻ văn minh hơn. Tuy nhiên, việc tặng vật dụng cũng rất khó vì nếu nó không phù hợp với nhu cầu người nhận thì không hiệu quả và lãng phí. Tặng quà là cả một sự đầu tư. Người mua quà phải mất thời gian tìm hiểu sở thích, nhu cầu của đối tượng tặng quà, chọn được quà hợp với người tặng rồi thì lại phải cân nhắc xem mình có đủ tiền để mua không. Vì vậy, ít người đầu tư lựa chọn một món quà. Chúng ta tặng quà là theo phong trào. Nhìn người ta mua gì thì mình mua nấy. Bởi vậy, món quà mang tính phổ biến, giống nhau, vô hình chung đã làm giảm giá trị việc tặng quà. Mà sao chẳng thấy ai tặng sách cho nhau nhỉ?

NGHỊ VĂN
;
.
.
.
.
.