Trong chương trình “Tiếng hát mãi xanh” do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, có một thí sinh…74 tuổi, có giọng hát khá hay và biết chơi đàn măng-đô-lin. Trước cuộc thi, tức hàng mấy chục năm qua, 8 đứa con và đàn cháu chắt của bà lão không hề biết bà có thể chơi một loại nhạc cụ nào đó. Phải chăng bà mắc cỡ không dám bộc lộc năng khiếu trước các con, hay phải nặng gánh mưu sinh nuôi cho từng ấy đứa khôn lớn nên đành quên đi tất cả những đam mê khác của riêng mình? Mà cũng có thể các con không để ý đôi lần mẹ muốn thể hiện…
Những suy nghĩ về bà lão khiến tôi nhớ về má. Mấy mươi năm có má, chỉ thấy 4 giờ sáng má đã ra chợ cho đến tối mịt không rõ mặt người. Má không xem thời sự, không đọc báo, dù má biết chữ. Giữa buổi chợ, lúc vắng khách, má lấy cuốn sổ ghi nợ lật ra trang sau và viết những cảm xúc bất chợt. Thường thì má làm thơ và…sáng tác ca khúc. “Tập thơ - nhạc” của má vì thế cong queo các mép giấy, lấm lem và bám đầy muối, ớt màu, xì dầu, những thứ gia vị má đang bán. Nhiều lần má gọi lại biểu ngồi yên nghe má hát, rồi coi giúp sửa lỗi chính tả. Tôi nghe tai trái, cười thầm, cho lọt qua tai phải. Má còn khoe sắp tới chạp mả, má định hát bài tự biên. Tôi trêu. Cứ vài ngày lại nghe má nhắc: “Chép giùm má cái bài chi mà có mấy chữ đầu là (…) chưa rứa con?. Má nghe trên đài họ hát hay dễ sợ”. Tôi ậm ừ và “bán cái” cho đứa cháu hay thích ca hát với bà.
Biết về bà lão chơi đàn măng-đô-lin, tự dưng thấy sống mũi mình cay cay. Tôi đã tán thưởng biết bao con người, vậy mà chưa một lần dành tặng má lời khen nho nhỏ. Bỗng thèm nghe má đọc thơ và hát nhạc. Sợ một ngày nhớ má, chỉ biết tìm về với những trang thơ đẫm mồ hôi và ký ức.
Nghị Văn