.

Thói quen

“Nếu được đi du lịch ở nước ngoài em sẽ đi đâu?”. “Singapore!”. “Tại sao?”. “Ở đó sạch sẽ và ngăn nắp. Em rất thích không khí trong lành và văn minh ở đó. Nghe người ta nói đất nước đó xanh và sạch. Những việc như hút thuốc lá, xả rác, nhổ kẹo chewing-gum... sẽ bị xử phạt”.
 
Câu chuyện giữa hai người bạn làm tôi nghĩ đến thành phố của chúng ta. Mỗi lần vào bệnh viện, chúng tôi vẫn thường bắt gặp ba từ “Cấm hút thuốc” được dán ở hành lang nhưng vẫn thấy người dân hút thoải mái mà có ai nhắc nhở gì đâu mặc dầu đã có lệnh cấm hút thuốc, thậm chí ở bệnh viện đã đưa ra nội quy quy định hẳn hoi. Để thực hiện tốt điều này, có người đưa ra ý kiến là cần phải có lực lượng giám sát và xử phạt. Ý kiến khác lại phản bác vì sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ để trả lương cho lực lượng này, nhưng điều quan trọng là sẽ nảy sinh trường hợp hối lộ cho người xử phạm nếu ai đó vi phạm bị phát hiện.
 
Ví dụ, giả sử nếu phạt 30.000 đồng cho một hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng thì lực lượng xử phạt sẽ được hối lộ 15.000 đồng chẳng hạn và người vi phạm chỉ sẽ mất một nửa số tiền phạt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thà như thế, dù sao thì người vi phạm hút thuốc lá cũng bị mất tiền và điều này sẽ tập cho họ một thói quen tốt là không hút thuốc lá ở nơi quy định cấm hút thuốc. Từ đó, mọi người dân sẽ dần dần có ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng. Và xa hơn nữa là hình thành nếp sống văn minh.

Văn minh đô thị không chỉ là chuyện bỏ rác vào thùng đúng nơi qui định, không vứt chuột chết ra đường.. mà còn thể hiện từ những điều nhỏ nhất trong đời sống hằng ngày của người dân như việc ăn mặc như thế nào cho phù hợp khi đi ra phố. Đi đám tang phải mặc khác khi đi đám cưới. Hay là chuyện cư xử như thế nào cho có văn hóa khi lỡ va quẹt xe... Nhắc tới đây làm tôi nhớ tới hình ảnh mà tôi gặp trên đường Trần Phú cách đây không lâu, một đôi vợ chồng nhảy bổ vào một cậu thanh niên và đánh tới tấp vào đầu anh ta khi xe anh này lỡ quẹt vào lẵng hoa tươi của họ. Chưa biết chuyện đúng sai thế nào nhưng đó là một hành vi thiếu văn hóa vẫn diễn ra đâu đó trên đường phố mà chúng ta vẫn thường hay bắt gặp mỗi khi tham gia giao thông.

Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều chịu sự chi phối của những thói quen. Các thói quen này hình thành do có sự lặp đi lặp lại của suy nghĩ và hành động. Do đó, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được lối sống của mình nếu biết cách kiểm soát tư duy và thói quen của bản thân. Phụ thuộc vào chính ý chí của mỗi người, việc hình thành những thói quen tốt có thể phá vỡ và thay thế dần những thói quen xấu. Ai đó nói rất đúng rằng: “Bản chất con người đều giống nhau, chỉ có thói quen của từng người mới làm họ khác nhau”.

GIA HUY
;
.
.
.
.
.