Ngày 24-5, CLB bơi lội trường THPT Phan Châu Trinh thông báo tăng số suất học bơi từ 1 lên 8 suất/ngày, vậy mà khi tôi đến đăng ký cho con, cô nhân viên nói: “Mai chị đưa cháu đến, suất nào ít thì mua vé luôn”. Theo quan sát của tôi, suất nào cũng đông nghịt, từ 5 giờ sáng cho đến chiều muộn. Các giáo viên dạy bơi khá vất vả vì rất đông học sinh, nhất là lứa tuổi tiểu học, THCS. Ngoài dạy bơi, các thầy cô còn phải quan sát học trò kỹ lưỡng để đề phòng trẻ chưa biết bơi bị đuối nước...
Phải thấy rằng, nhu cầu học bơi cho trẻ em ở thành phố Đà Nẵng rất lớn, bởi bên cạnh ý thích của các em thì rất nhiều gia đình có ý thức cho con học bơi xuất phát từ lợi ích nhiều mặt khi các em biết bơi. Đà Nẵng thuận lợi là có biển nên các gia đình thường đưa con đi tắm biển và dạy bơi luôn. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có một số bể bơi khác như bể bơi thuộc Quân khu 5, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng…thu hút khá đông các em đến học bơi. Một vài chương trình tài trợ nước ngoài cũng đã xây dựng bể bơi mini và tổ chức dạy bơi cho học sinh một số trường ở Đà Nẵng. Mặc dù vậy, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học bơi.
Trong các trường học, chỉ có Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Phan Châu Trinh có bể bơi chuẩn. Được biết, Trường THPT Phan Châu Trinh đưa môn bơi vào dạy nhưng cũng chỉ cho lớp 12 và học trong 6 tuần nhưng cũng chỉ 2 giờ/tuần. Muốn dạy thêm cũng khó vì học sinh khá đông. Một giáo viên thể chất cho biết, chương trình giáo dục thể chất quy định dạy bơi từ lớp 10 nhưng rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là không thực tế.
Dư luận thời gian vừa qua đã nói nhiều đến tình trạng đuối nước của trẻ em và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội trong việc nên mở rộng việc dạy bơi cho trẻ em. Thiết nghĩ, thành phố năm nào cũng đầu tư xây dựng thêm trường học mới, nên chăng đầu tư thêm kinh phí để xây bể bơi và từ đó đưa dạy bơi vào chính khóa ở nhiều trường. Trên địa bàn thành phố, một số đơn vị xây dựng khu thể thao, nên xây thêm bể bơi, vừa phục vụ cho CBCNV đơn vị, vừa phục vụ nhu cầu xã hội.
NGHỊ VĂN