.

Hiệu quả kiểm tra

Hai hôm rồi không thấy chị bán bún sáng bày bàn ra vỉa hè bán hàng, tôi nghĩ chắc chị lại đau ốm gì đây? Chưa kịp hỏi thăm thì tôi gặp chị và hỏi: “Sao hai hôm nay chị nghỉ bán?”, chị liền nói: “Ba ngày nay là quy tắc (nhân viên Đội quy tắc đô thị phường – P.V) đi kiểm tra vỉa hè khu vực này đó. Họ nói chị nghỉ 3 ngày, sau đó bán lại. Hết kiểm tra đây, họ đi kiểm tra đường khác”.
 
Tôi không tin ở tai mình nên hỏi đi hỏi lại cho kỹ. Chị bán bún nói thêm: “Em không thấy mấy người bán hàng vỉa hè đoạn đường này đi hết rồi à?”. Đúng thật! Nhưng đường thông hè thoáng chỉ 3 ngày, rồi đâu lại vào đấy. Sáng ra khoảng 6 giờ, mấy chú quy tắc phường đến tuýt còi, các bà bán hàng trái cây, rau, cá, thịt trên vỉa hè dạt hết vào hẻm hay đẩy xe chạy. Khoảng 9-10 giờ tụ tập lại, buôn bán thoải mái. Chợ cóc cứ xôm tụ. Vỉa hè cứ chật cứng hàng quán.

Phải thấy rằng hiệu quả kiểm tra nhiều lĩnh vực chưa được như chỉ đạo của các cấp lãnh đạo. Trong nhiều lý do, có một lý do mà chúng tôi được biết là việc cơ quan chức năng trước khi mở đợt kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra chuyên đề, thường thông báo trước thời gian, đối tượng và nội dung kiểm tra, kể cả cho các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin này lẽ ra nên bí mật thì lại thông báo rộng rãi, chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”? Có một thực tế mà chúng tôi nhận thấy là nếu kiểm tra đột xuất thì số vụ vi phạm bị phát hiện nhiều hơn so với thông báo trước. Vậy sao không thực hiện kiểm tra đột xuất hoặc làm thường xuyên theo chức năng, mà cứ phải từng đợt, từng chiến dịch? Cũng phải thấy một lý do khác là một số ngành chức năng, địa phương có “bệnh thành tích”, không muốn ngành mình, địa phương mình quản lý bị phát hiện nhiều việc làm chưa tốt, nên mới có chuyện thông báo việc kiểm tra trước để cơ sở có thời gian thu xếp cho tốt hơn.

Nếu cứ duy trì cách làm trên thì khó đạt mục tiêu.

Nghị Văn
;
.
.
.
.
.