Đà Nẵng trong những năm qua phát triển với tốc độ “chóng mặt”, nhất là về hạ tầng đô thị. Đường phố khang trang, phố xá nhộn nhịp, sầm uất. Đi kèm theo đó là sự đa sắc màu của các ngôi nhà mặt tiền, nhất là các điểm kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí... Và tất nhiên không thể không đề cập sự “phong phú” về chữ nghĩa của các bảng hiệu tại những nơi này cũng như của các bảng quảng cáo, băng-rôn trên phố.
Trong “rừng chữ nghĩa” mặt tiền ấy, có không ít các bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài, loại chữ “toàn tây” có, loại “nửa tây nửa ta” có và cả những loại chữ tây nhưng cả tây và ta đều không hiểu nghĩa gì cả! Không hiểu sao người ta lại sính chữ ngoại đến như vậy. Buồn cười là có những nơi chỉ để phục vụ người Việt mà cũng cố thêm vào những dòng chữ tiếng Anh to đùng lấn hết cả dòng chữ tiếng Việt. Người viết bài này đã chứng kiến một quán karaoke có dòng chữ tiếng Anh từ xa đã thấy ấn tượng, trong khi chữ tiếng Việt thì thật “khiêm tốn”. Có những quán cà-phê cóc bảng hiệu rất to đề chữ tây không ra tây, ta không ra ta, đọc lên chẳng hiểu là gì. Riêng cái từ “cà-phê”, nhiều quán rất bình dân cũng “sáng tạo” những bảng hiệu Anh-Pháp lẫn lộn, chỗ thì café, nơi thì coffee, cũng có nơi là cà-pê. Có hội trường, bảo đảm cả 30 năm nay không có một ông tây nào tới cũng đề “No smoking”...
Còn về những tấm băng-rôn, nhiều người đi trên những con đường lớn của Đà Nẵng đã từng chứng kiến một công ty trong nước nhưng lễ động thổ một dự án lớn lại giới thiệu trên những tấm băng-rôn toàn là tiếng Anh cỡ chữ lớn, còn tiếng Việt thì rất “khiêm tốn”, đến thật gần mới thấy và có thấy thì cũng vẫn không hiểu tên tiếng Việt của dự án đó là nghĩa gì nếu không học tiếng Anh. Nhiều địa điểm, bảng giới thiệu tìm mãi không ra một chữ Việt, làm như chỉ phục vụ riêng cho khách nước ngoài mặc dù toàn là người Việt ra vào. Tuy đã có quy định về kích thước, cỡ chữ các bảng hiệu nếu cần giới thiệu bằng cả chữ Việt và chữ Anh, nhưng vẫn còn nhiều nơi chữ Anh viết to át cả chữ Việt, trong số này những nơi hay “ưu tiên” chữ nước ngoài thường thấy là một số trụ sở chi nhánh ngân hàng thương mại, các quầy ATM, khách sạn, nhà hàng, cả tiệm uốn tóc, quán cà-phê… Một số nhà hàng lớn, chẳng hạn như nhà hàng trên bờ sông Hàn mới khai trương, chẳng tìm ra một dòng chữ Việt nào! Có những tòa nhà đăng quảng cáo cho thuê thật to, từ xa đã nhìn thấy những dòng chữ tiếng Anh, cả tên người liên hệ cũng đều viết theo kiểu tiếng Anh! Cũng không khó nhận ra có những dòng chữ tiếng Anh viết sai chính tả khá lộ, nếu người nước ngoài đọc chưa chắc hiểu hết hoặc hiểu sai nghĩa, hiểu không đầy đủ. Chẳng hạn như từ “Welcome to...” (chào mừng) lại viết thành “well come to...”, đường dây nóng “Hotline” thì viết là “Holine”, thức ăn nhanh “Fast food” thì viết thành “Fast foot”, v.v... thật ngượng với du khách nước ngoài.
Tiếng Anh sai chính tả đã khó chịu nhưng tiếng Việt trưng ra mặt tiền sai chính tả thì khó chấp nhận được. Vẫn còn không ít người cẩu thả, tùy tiện trong chuyện chữ nghĩa. Thực tế là còn bắt gặp khá nhiều “sạn” trong các biển, bảng hiệu tiếng Việt. Phổ biến nhất là sai dấu hỏi và dấu ngã. Chẳng hạn đường “Xô Viết Nghệ Tĩnh” thì viết là “Xô Viết Nghệ Tỉnh”, “rửa mặt” thì viết là “rữa mặt”, “sửa Honda” thì “sữa Honda”...
Hiện chưa ai phạt các cơ quan, chủ cửa hàng vì biển quảng cáo sai chính tả nhưng thiết nghĩ, ngành chức năng cũng nên rà soát, tuyên truyền để người dân biết và thực hiện, trả lại chính tả tiếng Việt theo đúng nghĩa của nó. Về tiếng nước ngoài, cần tuân thủ các quy định về cỡ chữ và chỉ sử dụng ở những nơi thật cần thiết. Đã có văn bản quy định viết tên tiếng Việt và tiếng nước ngoài trên các bảng hiệu, băng-rôn, quảng cáo... Nhưng việc sử dụng tiếng nước ngoài rất tùy tiện, tràn lan. Không biết việc quản lý cấp tên bảng hiệu bây giờ ai chịu trách nhiệm?
NGHỊ VĂN