Đọc trên Báo Thanh niên số ra ngày Chủ nhật 1-5-2011 vừa qua, trong loạt bài về 2 đêm pháo hoa Đà Nẵng năm 2011, tôi chú ý đến câu nói của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Global 2000 Malaysia - đơn vị đã tư vấn suốt 4 kỳ thi pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng - cho biết cách thức tổ chức các cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế những năm sau vẫn theo kịch bản trình diễn liên tục trong 2 đêm, trong khi các quốc gia khác thi pháo hoa kéo dài tới 2-3 tuần lễ, mỗi tuần chỉ có 2 màn trình diễn.
Kể ra thì đây cũng là lời khen của một nhà chuyên môn về cách tổ chức gọn nhẹ, chóng vánh một sự kiện không dễ dàng chút nào, nhất là công tác an ninh và những loại hình dịch vụ công cộng; điều mà Đà Nẵng đã làm được, đến nay đã có thâm niên kinh nghiệm 4 năm liên tục. Nhưng xét ở một góc nhìn khác, có thể từ sự so sánh của nhà tư vấn về cách làm của Đà Nẵng với một số quốc gia khác cùng tổ chức sự kiện này, lại cho ta một suy nghĩ mới chăng? Đó là: Phải chăng chúng ta có thể kéo dài sự hứng thú, sự chờ đợi của người xem thêm 1 khoảng thời gian nữa, không chỉ trình diễn 2 đêm liên tục, mà có thể cách nhật để du khách có thể lưu lại Đà Nẵng dài ngày hơn, tìm hiểu sâu thêm về cảnh quan, con người thành phố, chứ không chỉ đến để thưởng thức những màn trình diễn pháo hoa?
Vẫn biết, không ai muốn “kéo rê” cái vất vả của công tác tổ chức một sự kiện có tầm quốc tế như cuộc thi trình diễn pháo hoa hằng năm. Hàng loạt “vấn nạn” sẽ kèm theo sau đó. Nhưng xét về bản lĩnh của một thành phố sự kiện, thành phố du lịch thì việc kéo dài một sự kiện rất độc đáo, hoành tráng như cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lại là việc làm cần được suy nghĩ. Tất nhiên, không phải chúng ta kéo dài đến hàng tuần lễ như nơi nào đó đã làm, nhưng thực tế như trong đợt nghỉ liên tục 4 ngày nhân dịp 30-4 và 1-5 vừa rồi, có thể nghĩ tới việc tổ chức trình diễn pháo hoa cách nhật.
Trong khoảng thời gian lưu lại Đà Nẵng, du khách sẽ có nhu cầu thăm thú cảnh quan, tìm đến các hình thức vui chơi giải trí, kể cả giải trí cảm giác mạnh, đặc biệt là những loại hình du lịch biển như du lịch lặn, lướt ván, tiến tới phải có hình thức du thuyền cá nhân và gia đình v.v... Và như vậy, đi kèm với sự kiện pháo hoa, các ngành “công nghiệp phụ trợ” của loại hình “công nghiệp không khói” này phải nhanh chóng tiếp cận với kinh nghiệm thế giới và phải không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu du khách trong những ngày lưu lại giữa hai đợt trình diễn pháo hoa.
Để làm được điều này, không phải ngay sang năm chúng ta có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu, nhưng rõ ràng là phải nhanh chóng bắt tay vào việc nâng đồng bộ tầm vóc của cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng thông qua những hoạt động bên lề sự kiện này. Bản thân việc thi trình diễn pháo hoa như vậy là đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp rồi, nhưng các hình thức dịch vụ kèm theo cần phong phú, đa dạng và có tầm hơn nữa. Và người hưởng lợi trong sự kiện này nếu nó được kéo dài và mở rộng quy mô thêm, thì ngoài du khách thưởng thức những màn trình diễn pháo hoa đặc sắc, điều quan trọng là người dân của thành-phố-sự-kiện-pháo-hoa-quốc-tế Đà Nẵng, từ những “ông chủ khách sạn lớn hay quán cà-phê “hàng hiệu” tới những người dân thường ngày lam lũ buôn thúng bán bưng, các mẹ các chị bán hột vịt lộn hay đậu phụng luộc cho du khách đều có thể được hưởng lợi - như nhà thơ Thanh Thảo đã viết trong bài “Pháo hoa cho mọi người” cũng cùng trang báo trên.
NGHỊ VĂN