.

Nạn thuốc giả

Hôm 9-5, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng phát đi thông tin về một loại thuốc giả nhái lại thuốc của một thương hiệu dược có tiếng đó là Glaxo Smith Kline. Sở yêu cầu không mua bán, kinh doanh và sử dụng thuốc giả Zinnat viên 500 mg, trên nhãn ghi LOT: C463051, MANF D 17-02-10, EXP 02-13, GlaxoSmithKline. Thông tin trên đáng quan ngại vì Zinnat là loại kháng sinh dùng cho phụ nữ mang thai. Nếu dùng phải loại thuốc giả sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Xem mẫu thuốc, đại diện các hãng dược khẳng định đây là những thuốc làm giả rất tinh vi, giống từ 95 đến 99% so với thuốc thật.

Lâu nay, chuyện thuốc giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường không còn là chuyện lạ. Từ các loại kháng sinh thông thường đến các loại thuốc đặc trị, đắt tiền, nháy lại các hãng dược nổi tiếng trên thế giới cũng bị làm giả tinh vi. Nếu không kiểm tra kỹ và nhờ tư vấn thì người bình thường không thể nhận ra và chuyện tiền mất, tật mang vẫn diễn ra ở nơi này, nơi khác mà cơ quan quản lý cũng rất khó để kiểm soát, cảnh báo cho người dân kịp thời.

Xem kỹ sản phẩm và đánh giá bằng cảm quan sẽ phát hiện một số chi tiết khác nhau giữa thuốc thật và giả trên vỉ và viên thuốc. Cụ thể, tên thuốc thật thường được in đậm, mảnh và sắc sảo hơn thuốc giả. Số lô thuốc, ngày sản xuất, hạn dùng in chìm nét rất sắc sảo, còn thuốc giả không sắc sảo. Một số thuốc giả không có tem của nhà nhập khẩu. Cũng có thể phân biệt được thuốc giả và thuốc thật qua quan sát màu sắc của viên thuốc. Riêng với người dân, đắn đo rất nhiều để mua một vỉ thuốc có giá hàng trăm ngàn đồng. Chẳng may mua phải thuốc giả thì coi như găp đại hạn.

Chuyện là vậy, tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh nhiều doanh nghiệp dược tích cực chống hàng giả bằng cách phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thì vẫn còn doanh nghiệp lúng túng trong cách xử lý vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, doanh số…nên không công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nhận biết đâu là thuốc giả, đâu là thuốc thật. Hạn chế thấp nhất thuốc giả tới tay người bệnh.

Rõ ràng, việc phân biệt thuốc giả với thuốc thật vốn đã khó đối với nhà chuyên môn thì càng khó với người bệnh khi thiếu thông tin. Do vậy để chống thuốc giả đạt hiệu quả nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan thực thi pháp luật, nhà sản xuất và bệnh nhân. Đây chính là “biệt dược” hữu hiệu để đặc trị nạn thuốc giả. Cũng là cách để người bệnh yên tâm với loại hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Bởi dân gian hay nói: Viên thuốc còn quý hơn vàng.

NGHỊ VĂN
;
.
.
.
.
.