.

Những người giữ…thời gian

Có một điều tối kỵ trong nghề làm báo đó là để cảm giác chủ quan chi phối. Vậy mà cứ mỗi lần đề cập đề tài di tích lịch sử, tôi lại hay mắc lỗi này. Chỉ nghĩ đến một di tích nào đó, dù chưa đi thực tế nắm thông tin, tôi lại để trí tưởng tượng “bay” quá xa khi cảm thấy tiếc nuối cho những điều quá khứ hoặc hình dung đến cái tặc lưỡi, ngậm ngùi cho sự quay lưng, thờ ơ của con người hôm nay với các công trình mang dấu ấn cổ xưa.

Trước khi đặt chân vào ngôi đình gần 600 tuổi tại Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, tôi cũng mang tâm trạng đó. Thế nhưng, tất cả đã phải đính chính ngay khi tôi được trò chuyện với những người giữ đình.

Đình Đà Sơn nằm cách trung tâm thành phố chừng 10km. Dù vậy, với sự mở rộng đô thị của Đà Nẵng, khoảng cách phố thị và không gian lặng lẽ, riêng tư nơi sân đình chỉ như ngăn cách bởi một gốc đa xanh um phủ dấu thời gian. Theo sách sử thì ngôi đình này được hình thành sau khi vua Lê Thánh Tông bình định phương Nam chấm dứt cuộc tranh chấp đất đai. Sơ khai, đình được dựng bằng tre, lợp tranh, 40 năm sau, kèo cột đình được thay bằng gỗ mít.  Ngày nay, đình Đà Sơn gần như được làm lại mới sau khi cơn bão năm 2006 quét sạch chốn này.

Mấy trăm năm với bao thăng trầm, ngôi đình có thể đã thay hình, đổi dạng và chức năng cũng khác đi nhiều, nhưng hồn của đình vẫn còn vẹn nguyên và chiếm giữ vị trí quan trọng trong tâm thức của dân làng Đà Sơn. Nghe có nhà báo đến đình, ông Nguyễn Như Lãng (tổ 15) hứng khởi chuẩn bị nước nôi từ sớm. Bởi với người đàn ông thuộc hàng bô lão này, chỉ cần có người quan tâm và muốn nhắc nhớ tới đình là ông mừng lắm. Tới đình, thi thoảng tôi bắt gặp người dân đi ngang qua đây ghé vào hương khói. Họ thắp nén nhang, rồi vội vàng quay đi cho những công việc bộn bề.
 
Còn ông trưởng ban Hội đồng chư phái tộc, trưởng ban điều hành đình Đà Sơn Lê Văn Ngọt thì không giấu niềm hãnh diện khoe rằng, mọi người trong làng nhiệt tình khỏi chê. Cứ chuẩn bị đến ngày giỗ cúng hay hội làng, ai cũng khấp khởi,   xắn tay dọn cỏ, trồng cây, tất cả lo cho đình, cho làng. Nhiều người xa quê, thành danh nơi đất khách vẫn không quên đóng góp cho làng bằng cách này hay cách khác. “Nói gì thì nói, ông trưởng ban điều hành có sợ cuộc sống hiện đại làm phai mờ hình ảnh đình làng trong mắt những con người hôm nay?”, tôi hỏi – “Có chi mà sợ”, ông Ngọt khẳng định. “Sau thế hệ của tôi, anh em ở đây còn nhiều người “kế nghiệp” và họ đầy tâm huyết với đình. Nếu không vì lý do thiên tai, đình sẽ luôn trụ vững”, ông Ngọt cười khà.

Dưới bóng đa rợp mát, tôi nghe câu chuyện giữ đình cổ từ những người thời nay mà ấm lòng. Cuộc sống hiện đại, nhưng sâu thẳm vẫn đầy đặn một hồn quê xứ này.

Nghị Văn
;
.
.
.
.
.