Tình trạng đánh bắt hải sản theo kiểu hủy diệt môi sinh vẫn còn diễn ra tại vùng biển gần bờ của thành phố Đà Nẵng. Trên các ghe thuyền công suất nhỏ hoặc thúng máy, ngư dân dùng lưới quét để đánh bắt. Tất tần tật những thứ có trong khu vực lưới kéo qua đều chịu chung số phận phải lên bờ. Như vậy, ngư dân đang tự làm khó mình. Chính họ đã làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản để rồi phải gánh chịu hậu quả: đánh bắt và thu nhập ngày càng thấp.
Đến các làng chài ven biển vào buổi bình minh rất dễ bắt gặp cảnh ngư dân xách lên bờ cá, tôm, ốc… không mấy giá trị. Những người phụ nữ cố nhặt nhạnh trong mớ hỗn độn ấy được một ít gọi là tạm dùng được, bán kiếm tiền mưu sinh. Có bữa ghé qua chợ cóc bên đường Nguyễn Tất Thành, chứng kiến cảnh mấy ngư dân xách lên bờ bao tải khá nặng, nhưng khi đổ ra toàn cá chim trắng còn non và vô số ốc sò, rác rưởi, chúng tôi toan chụp ảnh, mấy ngư dân vội ngăn lại và nói rằng “đừng đưa lên báo để còn làm ăn”. Hỏi chuyện, ai cũng biết đánh bắt kiểu hủy diệt môi sinh như vậy là sai, song không đánh bắt lấy gì thu nhập. Họ cũng thừa biết, chim trắng là loại hải sản rất giá trị. Con trưởng thành cỡ hơn 2 kg có giá gần 1 triệu đồng. Trong khi mớ cá họ đưa lên bờ có đến hàng nghìn con chỉ nhỉnh hơn đồng xu chút đỉnh, và 1 ký chỉ 40 nghìn đồng.
Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất đầy đủ và chi tiết, song mấy ai chấp hành? Chủ trương đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, hạn chế thấp nhất ghe thuyền công suất nhỏ ban hành đã mấy năm nay, song với họ, chuyển đổi nghề hoặc đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi xa gần như không thể và đành chấp nhận một thực trạng buồn, đó là chiều tối ra biển, sáng hôm sau về, may nhờ rủi chịu.
Ai sẽ giúp ngư dân thoát ra khỏi tình trạng này?
NGHỊ VĂN