Chúng tôi đã từng đến trụ sở UBND nhiều phường, quận hoặc các ngân hàng để giao dịch. Điều khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu nhất là khi phải trình bày nội dung gì đó cho giao dịch viên (tạm gọi như vậy), phải nghiêng đầu ghé vào gần ô cửa nhỏ trên tấm kính ngăn cách thì giao dịch viên mới có thể nghe rõ.
Nếu đứng hay ngồi trước ô cửa nhỏ, giao dịch viên nói gì chúng tôi cũng khó nghe được, phải hỏi đi hỏi lại, gây phiền phức cho cả hai bên. Chưa kể nhiều nơi, bàn giao tiếp khá cao khiến nhiều người thấp bé phải nhón chân mới tiếp cận được ô cửa! Chúng tôi cũng đã chứng kiến nhiều cụ cao niên rất vất vả trong giao tiếp ở những nơi này.
Vậy nhưng cũng có nhiều nơi không cần tấm kính ngăn cách để rồi phải giao dịch qua ô cửa nhỏ, đã tạo sự thoải mái trong giao tiếp cho cả hai bên. Điển hình như tại UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu), sự giao tiếp giữa cơ quan công quyền với người dân rất thân thiện, cùng ngồi đối diện qua một cái bàn. Các cán bộ tiếp dân nơi đây luôn niềm nở, thân tình, giải thích rõ ràng các nội dung dân chưa hiểu, giải quyết công việc mau chóng. Tuy nơi tiếp dân không rộng rãi nhưng được bố trí chỗ ngồi thuận tiện. Hay như ở Ngân hàng Techcombank, khách hàng cũng được đón tiếp chu đáo, có ghế ngồi đối diện với nhân viên, tạo sự gần gũi và trao đổi giải quyết công việc nhanh chóng. Trên địa bàn thành phố, còn nhiều nơi như UBND phường Thạch Thang và Ngân hàng Techcombank.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc dựng lên tấm kính ngăn cách có lẽ từ suy nghĩ tạo sự an toàn trong giao dịch, nhất là với các nơi có giao dịch tiền bạc. Vậy câu hỏi đặt ra: “Sao Ngân hàng Techcombank, nơi hằng ngày giao dịch hàng tỷ đồng, hoặc nhiều hơn nữa, mà họ không cần tấm kính ngăn cách?”. Còn như các cơ quan công quyền, giao dịch về tiền bạc không nhiều nhưng lại luôn hiện hữu tấm kính ngăn cách?
Nên chăng cần dỡ bỏ tấm kính ngăn cách để tạo sự thân thiện, tin tưởng với người dân?
NGHỊ VĂN