Chuyện là ở tổ 22, phường An Khê có hộ ông Lê Ái vi phạm trật tự đô thị (Báo Đà Nẵng phản ánh trên số báo ngày 24-10-2011), xây nhà sai giấy phép, đổ ban công tầng 1 và 2 lấn chiếm không gian đường kiệt công cộng với diện tích 0,8 x 7,1m x 2 tầng.
Ông Ái còn xây thêm một bức tường bao quanh nhà, cao khoảng 0,2m lấn chiếm đường kiệt phía nam, bên hông nhà ông Ái. Người dân chung quanh đó có ý kiến nhưng ông Ái phớt lờ, tiếp tục xây. Sau khi người dân thông báo qua đường dây nóng đến quận, ngày 11-10-2011 Chủ tịch UBND quận Thanh Khê ra Quyết định số 0820/QĐ-XPHC buộc ông Ái tháo dỡ phần xây dựng lấn chiếm cả trên không và dưới đất. Ông Ái chỉ đập diện tích lấn chiếm dưới đất, trên tầng vẫn giữ nguyên. Người dân tiếp tục thông tin đến Chủ tịch UBND quận, mỗi lần như thế lại thấy một vài đội viên Đội Kiểm tra quy tắc đô thị xuống ngó nghiêng rồi về. Và nay căn nhà của ông Ái đã hoàn thiện.
Sau hơn một tháng Chủ tịch UBND quận ra quyết định buộc tháo dỡ, ông Ái vẫn phớt lờ. Bức xúc trước quyết định của cơ quan quyền lực không được thực thi, người dân tiếp tục kiến nghị với Chủ tịch UBND quận Thanh Khê. Trong khi chờ đợi xử lý, ông Ái được ai đó “tư vấn” làm đơn xin UBND quận Thanh Khê cho tồn tại phần xây dựng lấn chiếm lối đi công cộng và xin chữ ký đồng tình của một vài hộ dân gần đó. Tuy nhiên vẫn còn 6 hộ ở trên hai lối đi chung mà nhà ông Ái lấn chiếm không gian không ký vào đơn này. Chẳng hiểu vì sao mà các hộ không đồng ý không được phường An Khê mời họp. Ông Đinh Văn Tuấn, một người dân có nhà đối diện với nhà ông Ái bày tỏ bức xúc tại sao không được mời họp để có ý kiến về trường hợp này? Được biết cuộc họp đã đạt được sự “đồng thuận” rất cao về việc cho tồn tại phần xây dựng sai giấy phép của ông Lê Ái.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc, đội viên Đội Kiểm tra quy tắc đô thị, người dự cuộc họp dân này, chúng tôi được ông cho biết: Sau khi ông Ái làm đơn xin UBND quận Thanh Khê cứu xét, thì UBND phường An Khê tổ chức họp dân. Mục đích là nếu các hộ dân liên quan nhà ông Ái đồng ý thì nhà ông Ái được tồn tại phần xây dựng trái phép.
Như vậy, cuộc họp của UBND phường An Khê đã “thành công tốt đẹp” nhưng quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với hộ ông Lê Ái vẫn thuộc UBND quận Thanh Khê. Theo các quy định của pháp luật về quản lý trật tự đô thị, vi phạm hành chính đã có quyết định xử phạt hành chính đúng pháp luật thì phải thực hiện. Nếu công dân không thực hiện, cấp thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành. Do đó, dù cuộc họp dân của UBND phường An Khê đạt được “đồng thuận” cao cũng cần xem xét, bởi ý kiến đó chỉ có giá trị pháp lý khi Chủ tịch UBND quận Thanh Khê ra quyết định mới hủy Quyết định số 0820/QĐ-XPHC ngày 11-10-2011 thì nhà ông Ái mới không bị buộc tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Chúng ta chờ xem ý kiến của phường An Khê.
NGHỊ VĂN