.

Bớt họp!

Đó là yêu cầu của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đối với lãnh đạo quận và phường tại buổi tiếp xúc với cử tri phường Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố sắp tới.

Sau khi nghe hết các bức xúc và kiến nghị của cử tri, đồng chí Nguyễn Bá Thanh kết luận tập trung mấy vấn đề chính: Tình trạng ngập úng khi trời mưa, nhà sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư là thuộc trách nhiệm lãnh đạo thành phố. Đa số những vấn đề còn lại: Ô nhiễm môi trường, trật tự đô thị, đèn đường không sáng, nuôi gà trong nội thị, chợ tạm, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh cây cảnh và quán nhậu, đào đường chậm hoàn thổ gây nguy cơ tai nạn giao thông, không thu được thuế nhà đất của những lô đất bỏ hoang… đều là những vấn đề thuộc trách nhiệm giải quyết của chính quyền quận và phường.
 
Lẽ ra quận, phường phải thấy trước và giải quyết những vấn đề này không để cử tri phải kêu tới thành phố. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh yêu cầu lãnh đạo quận, phường bớt họp, dành thời gian để xuống dân, thị sát tình hình, lắng nghe dư luận cử tri phản ánh. Những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình thì giải quyết ngay. Chủ tịch HĐND thành phố giả định nếu ở vai trò là Chủ tịch UBND quận thì đã giải quyết những vấn đề cử tri nêu một cách rốt ráo rồi. Quan trọng là mình có quyết liệt vì dân hay không. “Chúng ta ra nghị quyết thì hay rồi nhưng cái quan trọng là nó được thực hiện, được cụ thể hóa như thế nào mới khó, mới cần sự quyết liệt của lãnh đạo”.

Mặc dù thành phố đã ban hành văn bản quy định việc giảm họp, hội nghị nhưng thực tế họp vẫn không giảm. Chính vì vậy mà những vấn đề cử tri bức xúc chậm hoặc chưa đến được với lãnh đạo cơ sở.

Người viết xin kể một câu chuyện thay lời bình luận: Ở quận nọ có đồng chí mới đảm nhận chức vụ Bí thư Quận ủy mới chỉ 100 ngày đã đối thoại với 1.200 cán bộ, giáo viên, 294 người sống bằng nghề nhặt rác, 250 cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Đồng chí Bí thư này đã dành thời gian buổi tối sau giờ làm việc, các ngày thứ bảy đi xe gắn máy, lúc đi bộ len lỏi qua từng ngõ ngách nhỏ đến thăm và tìm hiểu đời sống, nhu cầu nguyện vọng của 135 hộ đặc biệt nghèo, 43 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, 68 thanh-thiếu niên hư và thăm tận nhà các hộ nhặt rác. Sau những cuộc đối thoại và những chuyến đi xuống dân như vậy, đồng chí bày tỏ: Lắng nghe từ cơ sở, đến tận nơi, nhìn trực tiếp, thậm chí sờ tận tay mình mới cảm nhận hết cuộc sống, những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đi thì cũng có chút vất vả nhưng mình có thông tin chính xác sẽ chỉ đạo, lãnh đạo đúng, trúng và kịp thời.

Xin bớt họp để xuống cơ sở, bớt hội nghị để lắng nghe tâm trạng của dân.

Nghị Văn
;
.
.
.
.
.