.

Học sinh vi phạm Luật Giao thông

Phải khẳng định một điều là, so với nhiều thành phố, thị xã khác ở nước ta, thì ý thức của người Đà Nẵng trong việc chấp hành Luật Giao thông rất đáng phát huy, đại bộ phận người tham gia giao thông rất nghiêm túc dừng xe trước đèn đỏ, mặc dù không có bóng dáng của một cảnh sát giao thông nào cả. Những ngày hè nóng như đổ lửa, vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người, không phân biệt thành phần, đối tượng xã hội, nghiêm chỉnh dừng lại trước vạch quy định khi có đèn đỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng hình ảnh đẹp đó, lại có một hiện tượng đáng lo ngại là tình trạng học sinh thản nhiên vượt đèn đỏ tại các giao lộ, đi xe máy đến trường, chở 3, lạng lách còn diễn ra khá phổ biến. Không khó nhận ra vào những thời điểm trước khi vào lớp hoặc trước khi tan trường, tại các giao lộ có đèn tín hiệu, hình ảnh các em học sinh từ cấp tiểu học đến THPT đi xe đạp, xe đạp điện và cả xe máy vô tư đi vượt đèn đỏ như chỗ không người trong khi người lớn nghiêm chỉnh dừng lại. Nét mặt các em khi vi phạm rất thản nhiên, có em còn luồn lách để tránh xe cộ đông đúc lưu thông đoạn đường ngang trước mặt, trông rất nguy hiểm. Về tình trạng học sinh đi xe máy đến trường còn khá phổ biến, đơn cử tại Trường THPT Nguyễn Hiền, điểm gửi xe công khai bên hông Trường tiểu học Núi Thành  trên đường Lê Thanh Nghị với không dưới 30 chiếc xe máy đều là của học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, tồn tại công khai mấy năm  nay mà không ai xử lý cả. Điều đáng nói nữa là không ít trường hợp các em học sinh đeo huy hiệu Đoàn trước ngực hoặc khăn quảng đỏ trên cổ thản nhiên vượt đèn đỏ, tạo ra những hình ảnh thật phản cảm. Ngoài ra, một hình ảnh không đẹp nữa là phụ huynh chở con em mình vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm cũng không phải là cá biệt.

Để xảy ra tình trạng trên, thiết nghĩ ngoài việc giáo dục từ nhà trường, còn có một phần không nhỏ của gia đình. Sự dung túng, thờ ở của các bậc phụ huynh đối với con em mình vô hình trung tiếp tay cho các em vi phạm Luật. Người lớn không làm gương thì trẻ em vi phạm cũng không có gì lạ. Bên cạnh đó, việc xử phạt, răn đe của cơ quan chức năng cũng như sự phối hợp với nhà trường cũng chưa đủ để các em “biết sợ” để không dám vi phạm. Ngoài ra, trong vấn đề này, cũng không thể không nhắc đến vai trò của Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong việc giáo dục các thành viên trong tổ chức của mình gương mẫu trong việc chấp hành Luật Giao thông nói riêng, pháp luật của Nhà nước nói chung.

Đà Nẵng được bạn bè gần xa đánh giá tốt về nếp sống văn minh, về ý thức chấp hành pháp luật hơn nhiều địa phương khác. Việc học sinh vi phạm Luật Giao thông nêu ở trên cần được các cơ quan chức năng quan tâm ngăn chặn, xử lý, nhằm hạn chế đến mức tối đa những hình ảnh không đẹp trên, góp phần xây dựng Đà Nẵng ngày càng văn minh hơn. Thế hệ trẻ, những công dân tương lai của một thành phố văn minh, hiện đại không thể coi thường luật pháp như vậy được.

NGHỊ VĂN

;
.
.
.
.
.