Ngày 18-6, một số nhà báo đưa tin việc Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng có công văn chỉ đạo 61 cán bộ trực thuộc phục vụ lễ tang của một đồng chí lão thành cách mạng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, với những thông tin, lời lẽ dễ làm cái lý, cái tình bỗng dưng chao đảo, nếu không nói là gieo thêm nỗi đau, dằn vặt đối với người quá cố.
Có thể tóm tắt sự việc như sau: Sau khi đồng chí lão thành cách mạng từ trần, do gia cảnh khó khăn, chồng bị liệt, con bị bệnh, bà con thân thích ở Đà Nẵng không nhiều, nên ông Nguyễn Văn Cán - Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng - yêu cầu cán bộ, công chức trực thuộc phân công người phục vụ đám tang. Vấn đề ở chỗ, một số nhà báo hầu như chỉ căn cứ vào công văn để đưa tin mà không tìm hiểu cụ thể hoàn cảnh của người đã khuất, từ đó diễn đạt theo chiều hướng phê phán việc làm của Văn phòng UBND thành phố.
Từ những bản tin đó, cộng đồng mạng có những phản ứng trái chiều, có nhiều ý kiến chỉ trích nặng nề. Dẫu sao, không thể trách cứ dư luận, vì phản ứng của họ xuất phát từ cách đưa tin phiến diện của một số nhà báo. Nhưng đối với một số cơ quan báo chí, liệu đưa tin như vậy có vội vã, vô tình quá chăng?
Nếu xét trên cái tình để Văn phòng UBND thành phố có quyết định như thế thì cái tình ở đây lớn hơn rất nhiều. Người cán bộ lão thành cách mạng ấy đã 65 năm tuổi Đảng, có đóng góp nhiều cho quê hương. Cả cuộc đời bà sống giản dị, đầy ân tình; khi còn đương chức thì sắc sảo, mẫu mực, được đảng viên, nhân dân hết lòng yêu mến; lúc nghỉ hưu thì trọn vẹn với công việc gia đình và xã hội.
Người phụ nữ ấy có số phận hết sức nghiệt ngã, trong chiến tranh, bà từ Hà Nội vào chiến trường dốc lòng phục vụ cách mạng, để lại hậu phương 3 người con nhỏ. Còn trong thời bình, những tưởng cuối đời bà được an hưởng tuổi già thì lại gặp hoàn cảnh éo le: chồng bà vốn là nhà báo tên tuổi, nguyên là lãnh đạo một cơ quan báo chí, bị đột quỵ; rồi con trai cả cũng bị bệnh nặng. Một mình bà tảo tần chăm sóc chồng, con, trong khi sức khỏe của bản thân giảm sút. Báo Đà Nẵng đã trân trọng gọi bà là “Người phụ nữ tiêu biểu” với niềm xúc động khi cho rằng bà là đại diện cho một thế hệ phụ nữ, “trên đôi vai thế hệ ấy là sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, là việc nước, việc nhà, họ lặng lẽ mà nhẹ nhàng, họ đảm đang và mạnh mẽ. Họ làm được tất cả mọi việc cho dân tộc, cho cuộc đời, tất nhiên có cả thiên chức mà tạo hóa dành cho phụ nữ” (Người phụ nữ tiêu biểu, Nguyễn Đình An, Báo Đà Nẵng ngày 14-6-2013).
Khi bà còn sống thì lo cho đồng chí, đồng đội và gia đình. Khi bà qua đời, gia đình neo người nên không có điều kiện để lo cho bà chu toàn. Ông cha ta có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Vậy thì nếu có thêm được một người hay thêm nhiều người để lo cho “người phụ nữ tiêu biểu” ấy về nơi an nghỉ cuối cùng cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng, chứ không phải đơn thuần theo cái lẽ vì bà nguyên là cán bộ lãnh đạo mà áp đặt “điều người đến phục vụ tang lễ”. Nếu hiểu cái tình như thế thì sẽ thấy câu chuyện thật ấm áp và trân quý biết bao! Và nếu hiểu cái tình như thế thì sẽ thấy cơn sóng dư luận hoàn toàn không đáng có đối với tang lễ của một con người tử tế có hoàn cảnh éo le.
Không nên gieo thêm một nỗi buồn cho sự ra đi vốn để lại quá nhiều thương tiếc.
AN NGUYÊN