.

Chậm giải quyết hồ sơ hành chính do cán bộ ốm, bận việc?

Chuyện ông Lê Xuân Tùng ở phường An Khê (quận Thanh Khê) được đăng ký tạm trú sau nửa giờ là một “kỷ lục” về giải quyết nhanh thủ tục hành chính làm cử tri thành phố rất ngạc nhiên.

Cử tri cũng biết sở dĩ có “kỷ lục” này là có sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch HĐND thành phố ngay trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa VIII được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng chiều 10-7. Điều đáng nói ở đây là thái độ tắc trách, thiếu trách nhiệm mà cán bộ Công an phường An Khê chưa được nêu rõ qua sóng truyền hình để cử tri biết.

Thông tin của phóng viên tìm hiểu được: Sau khi nộp hồ sơ đăng ký tạm trú, ông Tùng chờ đợi hơn 3 tháng mà không nhận được kết quả cũng như trả lời lý do của Công an phường. Bức xúc, ông Tùng phản ánh Thường trực HĐND thành phố qua số điện thoại đường dây nóng 05113. 888888. Bộ phận xử lý thông tin qua đường dây nóng đã cử người xác minh và yêu cầu Công an phường An Khê trả lời bằng văn bản. Trưởng Công an phường đã trả lời rằng cán bộ thuộc quyền của mình sau khi nhận hồ sơ của công dân lại bị ốm, khi khỏe và đi làm trở lại thì do bận việc nên chưa giải quyết được hồ sơ cho ông Tùng, do đó dẫn đến trễ hẹn trả hồ sơ.

Lý do chậm giải quyết hồ sơ vị lãnh đạo Công an phường nêu ra không chính đáng, không thuyết phục, vì thế đặt ra nhiều câu hỏi trong mỗi người dân. Điều bất hợp lý là tại sao một thủ tục hành chính có thể giải quyết chỉ trong nửa giờ mà lại “ngâm” hồ sơ của dân hơn 3 tháng? Điều này phản ánh thái độ tắc trách, tinh thần thiếu trách nhiệm đối với nhân dân của các cán bộ có liên quan. Họ dường như vô cảm khi không nhận thấy việc chậm giải quyết thủ tục hành chính này sẽ làm người dân bị ảnh hưởng trong sinh hoạt, làm ăn, làm thủ tục nhập học cho con cái... Hoặc có thể cán bộ biết hậu quả của việc chậm giải quyết thủ tục hành chính mà dân phải chịu nhưng cố tình “ngâm” hồ sơ của dân nhằm mục đích nào đó? Chính vì vậy mới nêu ra một lý do không thể chấp nhận được. Việc trả lời của vị lãnh đạo Công an phường cũng thể hiện cho thấy kỷ cương hành chính ở đơn vị này chưa nghiêm túc, chưa thể hiện tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” của ngành Công an.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 20-10-2003 “về việc tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp” và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14-4-2004 “về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực”, thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan công quyền được tăng cường. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những biểu hiện xem thường kỷ cương hành chính, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt mà việc liên quan đến ông Lê Xuân Tùng là một ví dụ.

Không phải vụ việc nào cũng được phản ánh đúng vào kỳ họp HĐND thành phố và được lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhanh như vậy. Nhưng không thể để những việc “hành dân” như vậy làm ảnh hưởng đến uy tín “thương hiệu” cải cách hành chính mạnh mẽ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã dày công xây dựng.

Trách nhiệm này thuộc về những người đứng đầu mỗi cơ quan công quyền của thành phố.                                                         

Sơn Trung

;
.
.
.
.
.