.

Người lớn bất cẩn, trẻ con gặp nạn

Chỉ trong tháng 6-2013, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra hai vụ tai nạn trẻ em té ngã từ nhà cao tầng khiến không ít người e sợ. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự bất cẩn, chủ quan của người lớn.

Đến hôm nay, tình trạng sức khỏe của cháu H. dần ổn định sau vụ rơi từ tầng 5 một khách sạn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn vào trưa 10-6. Nhưng bố mẹ cháu vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ tai nạn này.

Trước đó, vợ chồng anh M.X.T (30 tuổi, ở Nam Định) cùng gia đình đưa hai con sinh đôi là M.H.L và M.H.H (13 tháng tuổi) đi du lịch ở Đà Nẵng. Lúc 10 giờ 30 ngày 10-6, gia đình chuẩn bị trả phòng để ra sân bay, do không ai chú ý, cháu H. đã bật chốt cửa sổ và rơi từ tầng 5 xuống đất hôn mê, bất tỉnh. Ngay sau đó, cháu H. được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu, với chẩn đoán đa chấn thương sọ não, dập phổi phải, gãy hai chi dưới, hai xương đùi, bụng chướng… Sau một ngày điều trị, do chấn thương quá nặng, H. được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng điều trị và đến nay đã dần hồi phục.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, thông thường trẻ em bị rơi từ tầng 5 xuống đất, khó tránh khỏi khả năng tử vong, nhưng trường hợp của cháu H. là rất hy hữu.

Khoảng 11 giờ ngày 22-6, nhiều người dân sống ở nhà 3 khu chung cư Hòa Hiệp 2 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cũng chứng kiến vụ tại nạn kinh hoàng khi bé gái P.T.T.Q (5 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, được gia đình đưa đến chung cư Hòa Hiệp 2 thăm bà con) bị ngã từ tầng 3 xuống đất nhưng may mắn khi cháu thoát chết. Cũng như cháu H., vụ tai nạn này cũng do sự bất cẩn, chủ quan của chính những người lớn trong gia đình.

Trước đó, hồi tháng 9-2012, tại chung cư Hòa Hiệp 2 cũng xảy ra tai nạn khi cháu T.L.D.Q (5 tuổi) rơi từ tầng 3 xuống đất do trèo lên lan can để xem múa lân. Cháu Q. bị hôn mê, đa chấn thương phải điều trị thời gian dài tại bệnh viện.

Với tốc độ phát triển của quá trình đô thị hóa như hiện nay, xu hướng ở các căn hộ chung cư cao tầng đang khá phổ biến. Mặc dù trong mỗi căn hộ hay hành lang phía trước cầu thang máy đều được thiết kế có ban-công bằng sắt cao ngang vai người lớn, phòng ngừa trẻ con nghịch ngợm, té ngã. Thế nhưng, xét cho cùng, đây chỉ là biện pháp phòng ngừa mang tính kỹ thuật; trong khi đó, trẻ em lại thường rất hiếu động... Cùng với việc giáo dục nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn, người lớn cần quan tâm, thường xuyên theo dõi để tránh những vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra đối với các cháu bé.

HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.