.

Ăn xong, dưới chân là rác

Thói quen vứt rác bừa bãi của người dân và du khách khi ăn uống tại những nơi công cộng, nhất là các nhà hàng, quán ăn không những gây khó khăn cho các đơn vị quản lý mà còn làm cho môi trường du lịch trở nên xấu hơn.

Những tháng hè này, Đà Nẵng thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và tắm biển. Theo quan sát của chúng tôi, cứ đến khoảng 5 - 6 giờ chiều, các nhà hàng, quán ăn ven biển đã đông nghịt khách, trong đó có cả khách du lịch và người dân địa phương. Có mặt tại quán B.A trên đường Hoàng Sa vào khoảng 20 giờ 30, chúng tôi thấy ngổn ngang trên bàn, dưới ghế cơ man là thức ăn thừa, vỏ lon bia, vỏ ốc hút, giấy lau trắng xóa… Thấy chúng tôi có vẻ lưỡng lự, chưa ngồi xuống, anh nhân viên trẻ nhanh nhảu: “Khách đông quá mà nhân viên ít nên mấy anh chị thông cảm, đợi em chút xíu dọn sạch rồi hãy ngồi”. Rồi tay anh thoăn thoắt xịt nước lau qua loa chiếc bàn nhựa, lấy chổi lùa sơ đống rác thải do những khách vừa ngồi thải ra vào chiếc giỏ rác để sẵn dưới chân bàn... Gần 21 giờ nhưng khách vẫn đông, nhân viên gọi nhau í ới, nhiều bàn ăn để sẵn giỏ rác dưới chân bàn nhưng rác vẫn tràn lan. Anh nhân viên ban nãy, phân bua: “Có giỏ rác đó nhưng các bàn kê sát nhau nên mấy anh chị cứ vứt ra đất”.

Rời khỏi quán B.A, chúng tôi qua một nhà hàng phía biển Phạm Văn Đồng. Tại các nhà hàng này thức ăn thừa hay giấy lau khách bỏ ra đều được các nhân viên thu dọn. Chị Mỹ Hà, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Năm nào nghỉ hè gia đình tôi cũng vào Đà Nẵng. Thích nhất là được ăn hải sản ở các nhà hàng ven biển vừa sạch sẽ, hải sản lại vừa tươi. Những nhà hàng này tuy giá đắt hơn những quán ăn đối diện nhưng được cái sạch sẽ nên chúng tôi chọn”.

Các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố vào những tháng hè thu hút khá đông khách du lịch, nhất là dọc các tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Phạm Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) cho biết: “Phường cũng đã nhiều lần phối hợp với quận và các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các nhà hàng, quán ăn thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do ý thức của một bộ phận du khách và người dân chưa cao nên vệ sinh môi trường ở vài nhà hàng, quán ăn trên địa bàn phường chưa được tốt”.

Thiết nghĩ, hành động “bỏ rác vào giỏ” sau ăn tuy nhỏ nhưng nếu ai cũng ý thức và thực hiện tốt thì công tác vệ sinh môi trường sẽ được siết chặt và bảo đảm. Các chủ nhà hàng, quán ăn có thể tuyên truyền bằng cách dán các khẩu hiệu “Hãy bỏ rác vào giỏ” ở những điểm khách có thể nhận thấy rõ nhất như tường, bàn ăn… Song song với việc làm đó là luôn nhắc nhở người dân và du khách đồng hành với các nhà hàng, quán ăn trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường chung trong khi ăn uống. Hành động nhỏ nhưng mọi người cùng quan tâm thì vệ sinh môi trường nơi công cộng sẽ được tốt hơn, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường du lịch chung của thành phố.

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.