Báo Đà Nẵng số ra ngày 25-10-2013 có đăng bài “Giải quyết xung đột giữa ghe giã cào và vạn lặn”, nói về việc UBND phường Nại Hiên Đông tổ chức cuộc họp khẩn, giải quyết xung đột về phương thức đánh bắt giữa các vạn lặn với các ghe giã cào. Tuy đây chỉ mới là mâu thuẫn nhỏ về phương kế sinh nhai của một bộ phận ngư dân trên cùng một địa bàn, nhưng cũng đã manh nha sự cạnh tranh, xung đột vì đã có hơn 30 vạn lặn phường Nại Hiên Đông ngăn cản không cho các ghe giã cào hoạt động và đã xảy ra xô xát tại cửa vịnh Đà Nẵng.
Cuộc họp không đến nỗi quá muộn để chính quyền phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của những người sinh sống bằng nghề lặn bắt chíp chíp, những người hành nghề giã cào trên sông Hàn và vịnh Đà Nẵng. Phó chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông đối thoại với hơn 50 vạn lặn và chủ các ghe cào là việc làm có trách nhiệm với dân. Tại cuộc đối thoại, đa số chủ ghe đã nhận ra, việc đánh bắt bằng nghề giã cào là không được phép và đề nghị chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ để họ hoán đổi phương tiện, không hành nghề “tận diệt” như lâu nay.
Việc đánh bắt bằng ghe giã cào đã được Chính phủ nghiêm cấm, vì đây là phương thức đánh bắt theo kiểu “tận diệt”. Ngay sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đầu tư hỗ trợ bà con ngư dân các phường ven biển cải hoán tàu, thuyền công suất nhỏ có công suất lớn hơn để vươn khơi. Thậm chí, những thuyền thúng đánh bắt gần bờ cũng được hỗ trợ để ngư dân lắp máy nổ.
Chúng tôi tạm chấp nhận ý kiến của đại diện Thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đà Nẵng, rằng đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên hiện nay, hằng ngày từ 19 giờ trở đi, 5 - 7 ghe giã cào vẫn ngược xuôi nhộn nhịp ở vịnh Đà Nẵng và có cả ghe giã cào mang biển số đăng ký TTH-951…
Vậy, hiện nay, ngoài 13 ghe giã cào của phường Nại Hiên Đông, các phường ven biển khác còn bao nhiêu phải được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương thống kê, báo cáo để chính quyền quận, thành phố có phương án tổng thể hỗ trợ bà con ngư dân từng bước chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
A.Q