.

Không nên miễn phí

Tối 20-12, nhằm đem lại một không gian thưởng thức nghệ thuật cho người Đà Nẵng, Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội Đà Nẵng tổ chức chương trình guitar cổ điển mang tên “Đà Nẵng Guitar Concert - Chào năm mới 2014”. Chương trình chỉ phát hành vé mời, nhờ nỗ lực kêu gọi được các nhà tài trợ của trung tâm.

Đây là chương trình biểu diễn guitar cổ điển với sự tham gia của nhóm tứ tấu Sài Gòn cùng các nghệ sĩ ngoại quốc như Kozo Tate (Nhật Bản), Lê Hoàng Minh (Australia). Trong khán phòng nhỏ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, để bảo đảm cho khán giả thưởng thức chương trình biểu diễn mang tính nghệ thuật và để người nghệ sĩ biểu diễn trong sự tập trung và đầy cảm hứng, ban tổ chức ghi rất rõ trong vé mời là quý khán giả vui lòng “đến đúng giờ, giữ trật tự; không dẫn theo trẻ em dưới 6 tuổi; chuyển điện thoại sang chế độ rung, không chụp ảnh có flash”.

Trong khi rất nhiều khán giả, vì tôn trọng ban tổ chức và nghệ sĩ, đã thực hiện theo đúng chỉ dẫn, thì vẫn còn đó một số người không thực hiện theo, gây ồn ào, mất trật tự, chưa đến nỗi ảnh hưởng đến đêm diễn nhưng rõ ràng ảnh hưởng đến sự tập trung thưởng thức của người chung quanh. Một số người đem theo con nhỏ, mở máy điện thoại chơi trò chơi, và nhất là đi muộn. Đặc biệt, có một nhóm 3 cô gái, dẫn theo một người đàn ông ngoại quốc, đã đi trễ nhưng khi vừa ngồi xuống là cười nói ồn ào lại còn mang hạt dưa ra cắn tí tách suốt buổi; đến nỗi những người chung quanh khó chịu và ban tổ chức nhắc nhở giữ trật tự, nhưng họ vẫn không thực hiện. Rõ ràng, những người như thế thì không nên và không cần phải được mời thưởng thức một chương trình mang đậm chất nghệ thuật như biểu diễn guitar cổ điển vừa qua. Trong khi đó, rất nhiều người mê guitar và mong muốn thưởng thức chương trình hấp dẫn này lại không được mời, không có cơ hội mua vé để xem.

Để so sánh, trong chương trình ca nhạc hằng đêm tại quán cà-phê Nếp, nhất là cuối tuần, nhiều khách thích đến đây để thưởng thức giọng hát và tiếng đàn guitar - tất cả đều được thể hiện “mộc” (không có sự hỗ trợ của thiết bị âm thanh điện tử). Trong căn phòng nhỏ, mặc dù đông khách nhưng ai nấy đều yên lặng, đi nhẹ nói khẽ để thưởng thức giọng hát, tiếng đàn và không làm ảnh hưởng đến người khác cũng như sự tập trung của người biểu diễn. Không chỉ thể hiện sự tôn trọng người khác, điều quan trọng là chính họ đã bỏ tiền ra nên họ tôn trọng chính sự chọn lựa của mình.

Từ đó, xin góp một ý kiến nhỏ rằng, không chỉ với chương trình “Đà Nẵng Guitar Concert - Chào năm mới” (tổ chức hằng năm trong loạt hoạt động chào đón năm mới ở Đà Nẵng), mà với các chương trình mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi người nghệ sĩ phải dồn hết tâm sức và cần không gian im lặng để trình diễn, thì không nên phát hành vé mời mà phải bán vé. Đây không chỉ là việc thu tiền, giảm bớt nhọc nhằn cho ban tổ chức khi phải đôn đáo xin tài trợ, mà để khán giả phải ý thức hơn trong việc chọn lựa đến với không gian thưởng thức nghệ thuật. Bởi nếu mời không đúng đối tượng, thì sẽ làm chạnh lòng không ít người, từ ban tổ chức, nghệ sĩ, khán giả đến nhà tài trợ. Và quan trọng hơn, đó là nỗi chạnh lòng về sự thô thiển trong thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận người dân trong hành trình hướng đến xây dựng nếp sống văn hóa- văn minh đô thị của Đà Nẵng.

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.