.

Sách và hành động

Một tin ngắn trên báo Đà Nẵng ngày 14-1 khiến nhiều người suy ngẫm: Trường ĐH Đông Á vừa tổ chức ra mắt CLB Sách và hành động đầu tiên tại Đà Nẵng nhằm hưởng ứng dự án “Chạy xuyên Việt - Mỗi người một cuốn sách cho trường ĐH” do Cao Đức Thái - một chàng trai Hà Nội sáng lập, qua đó kêu gọi cộng đồng nâng cao văn hóa đọc và tinh thần hành động trong thế hệ trẻ. Thứ bảy hằng tuần, sinh viên Trường ĐH Đông Á sẽ đọc sách tại sân trường, tổ chức thảo luận về phương pháp đọc, chọn sách và bình sách hay...

Tin về sách và văn hóa đọc khiến ta liên tưởng đến nhiều chuyện.

Trước hết là sự khác nhau về sách và báo mà lâu nay nhiều người lầm tưởng. Lầm tưởng là chỉ cần đọc báo thôi thì không cần đến sách nữa. Tôi từng tặng cho một cán bộ cấp huyện một cuốn sách nghiên cứu về nông thôn mà mình rất quý, nhưng nhận được câu trả lời rằng, những vấn đề về nông thôn anh đọc trên báo là đủ rồi, và từ chối nhận cuốn sách (!). Thật ra, đọc báo chỉ để nắm tin tức chứ đâu có thể hiểu biết sâu về những vấn đề liên quan. Tin tức là những gì xảy ra tức thì. Còn sách mang tính nghiên cứu, mang tính học thuật cao hơn mà báo chí không đủ chỗ và không đủ thời giờ làm thay được. Cho nên, đọc báo chỉ để biết thông tin thời sự chứ không giúp hiểu rõ ngọn ngành những gì chúng ta quan tâm. Có lẽ sự hiểu lầm đó đã góp phần giết chết ngành xuất bản sách chăng, khi mỗi đầu sách, kể cả những công trình nghiên cứu dày công, có khi chỉ in vài ba trăm cuốn?

Đọc sách cũng có năm bảy đường. Đọc tiểu thuyết để biết người ta viết câu văn thế nào; những vấn đề luận lý, đạo đức, lối sống, sự va chạm và xử sự của những nhân vật đương thời ra sao trước một tình huống cụ thể. Tiểu thuyết cảnh báo, dự báo những số phận con người trong không gian - thời gian nào đó mà ta có thể soi rọi thấy mình trong đó, chứ không phải đọc để giết thời gian. Đọc sách về lịch sử để biết ông cha ta ngày trước mở nước, dựng nước gian khổ tới đâu; để biết cội nguồn dân tộc; để hiểu những bài học trong quan hệ quan trường, quan hệ huyết thống, quan hệ đối nội đối ngoại…, thông qua lịch sử để “luận cổ suy kim”. Đọc những sách về khoa học, kỹ thuật để tìm hiểu kỹ năng, kiến thức chuyên ngành, những khía cạnh ứng dụng vào đời sống, sản xuất, quản lý ra sao…

Những nước có nền khoa học kỹ thuật cao, có lịch sử lâu đời bao nhiêu, thì sách đối với họ càng quan trọng. Đi trên các chuyến bay quốc tế, trên tàu điện ngầm, chúng tôi chứng kiến mọi người tranh thủ thời gian đọc sách, thay vì tán gẫu những chuyện bao đồng như đa số người Việt chúng ta…

Cho nên, sau dự án “Không gian đọc” của thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), giờ đến dự án “Sách và hành động” của ĐH Đông Á là những hoạt động cần được khích lệ và phát triển. Riêng ở ĐH Đông Á, tôi cho rằng chi tiết “đọc ở sân trường vào sáng thứ bảy” cần được nghiên cứu kỹ hơn vì rất dễ tạo ra hình thức hơn là thực chất. Dự án này cần gắn liền với việc mở mang thư viện, công tác quản thủ thư viện, cả với chương trình giảng dạy ở từng khoa…, như thế mới tạo được việc “đọc và hành động” thiết thực và lâu dài.

Thời chúng tôi là sinh viên, các bài giảng của giáo sư ở giảng đường bao giờ cũng gắn liền với lịch làm việc ở thư viện cho sinh viên. Các ĐH ở nước ngoài bây giờ vẫn vậy. Vì vậy, sinh viên nghiên cứu, đọc sách, ghi chép từ sách trong thư viện là nhu cầu mỗi ngày. “Đọc và hành động” của sinh viên phải xuất phát từ chính mục đích học tập của họ!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
 

;
.
.
.
.
.