Những điều nghe thấy

Chuyện không nhỏ

08:06, 28/02/2014 (GMT+7)

Trong hơn 10 năm qua, với sự quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng thuận của nhân dân, Đà Nẵng đạt những thành tựu vượt bậc.

Mục tiêu xây dựng thành phố trở thành nơi sống tốt đã giúp Đà Nẵng nổi lên trên bản đồ Việt Nam như một điểm đến lý tưởng để tận hưởng không gian vừa có sông, có biển, vừa được bao bọc bởi núi non. Đà Nẵng đẹp không chỉ bởi thiên nhiên trong lành, bởi những chính sách đầy tính nhân văn, bởi những con đường thênh thang không rác, bởi những cây cầu với kiến trúc độc đáo mới lạ... mà còn bởi những con người bình dị đang góp phần làm đẹp thành phố.

Họ có thể là bác xe ôm, người sẵn sàng giảng giải tận tình về nét đẹp, ý nghĩa, thậm chí hướng dẫn góc phù hợp để du khách thưởng thức hết vẻ đẹp của cây cầu Rồng khi có khách phương xa nào… lỡ miệng chê cầu Rồng không đẹp như trên sách, ảnh. Họ có thể là bà bán cà-phê ven đường, người gây bất ngờ cho du khách đến thưởng lãm pháo hoa quốc tế khi tuyên bố: “7 ly cà-phê, 49 ngàn”. Khách bất ngờ bởi nghĩ rằng cà-phê vỉa hè nhưng sao đắt thế, mãi đến khi nhận tiền thừa từ người bán, khách mới vỡ lẽ, 49 ngàn là cho cả 7 ly chứ không phải 1 ly như nhầm tưởng ban đầu. Khách khi này mới gật gù: “Chẳng ở đâu mà cà-phê rẻ như Đà Nẵng, kể cả là giữa mùa lễ hội”.

Những người dân bình dị này đã, đang và sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng ghi dấu trong lòng bạn bè, khách du lịch trong, ngoài nước bởi sự hiếu khách, thân thiện của mình. Đẹp là vậy, tự hào là vậy nên chúng ta cảm thấy vô cùng xấu hổ khi đâu đó vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp. Chiều 24-2 vừa rồi, một anh tài xế taxi M.L, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, dừng xe trước Thư viện Khoa học-Tổng hợp và vô tư xuống lan can bờ sông Hàn làm cái chuyện rất bản năng xuống sông. Con đường một chiều được đánh giá là một trong những tuyến đường sạch nhất, lãng mạn và đẹp nhất tại Đà Nẵng lại phải xót lòng nhìn cái cảnh xốn xang ấy.   

Một người bạn làm việc ở Viện Quy hoạch thành phố tếu táo: “Chẳng nhẽ gắn gương vào các cột điện, gờ tường? Chỉ có hình ảnh phản chiếu ra ngoài mới khiến những cá nhân này cảm thấy xấu hổ mà không tiếp tục làm xấu đi hình ảnh của con đường”. Đây chỉ là một ý tưởng nói cho vui, không ai đi làm cái chuyện dông dông ấy, nhưng cho thấy ở mỗi người, cộng đồng phải lên tiếng, phải phê phán những cá nhân thiếu văn hóa ấy. Và cả lãnh đạo các hãng taxi cũng phải thường xuyên nhắc nhở, phê bình… làm sao cho mỗi người cùng ý thức, cùng có trách nhiệm với cộng đồng để xây dựng và giữ gìn nét đẹp của thành phố.

Sự đổi mới mạnh mẽ, sức trẻ cùng những câu chuyện nhỏ nhặt được truyền tai nhau về sự hiền hòa, thật thà của người dân Đà Nẵng đã giúp hình ảnh của thành phố đẹp hơn trong mắt bạn bè phương xa. Tất cả những chắt chiu trong suốt thời gian qua sẽ bị ảnh hưởng nếu hình ảnh xấu xí trên đường Bạch Đằng vừa nói tiếp tục tái diễn.

 “Tiểu” nhưng không nhỏ trong yêu cầu tối thiểu của một thành phố văn minh.   

MAI TRANG

.