.

Sao không về bến xe phía Nam?

.

Từ khi ngăn các đoạn đường để thi công nút giao thông ngã ba Huế, người dân thành phố rất vất vả vì tình trạng xe khách hoạt động tuyến Đà Nẵng đi các tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên gây ùn tắc giao thông trên các tuyến đường Nguyễn Đình Tứ, Tôn Đản… và xuất hiện thêm nhiều “bến cóc” mới.

Thời gian qua, đi lại trên các tuyến đường như Nguyễn Đình Tứ, Tôn Đản, Lê Trọng Tấn, Trường Chinh… người dân không khỏi bức xúc vì các xe khách, đặc biệt là xe giường nằm chạy chiếm phần lớn lòng đường. Mỗi khi các xe này đi qua các ngã ba, ngã tư, chỉ cần hai chiếc tương tự tránh nhau là tắc đường. Điều đáng nói, trên các tuyến đường này còn xuất hiện thêm nhiều “bến cóc”, xe khách dừng chờ, đảo đón, tranh giành khách càng khiến lòng đường hẹp càng thêm hẹp và lưu thông phức tạp hơn. Người dân càng thêm lo sợ với mật độ xe cộ đông đúc và hoạt động lộn xộn trên các tuyến đường này. Thực tế, trong thời gian qua, trên đường Trường Chinh đoạn gần cầu vượt Hòa Cầm, xe khách trong quá trình chạy nhanh, vượt ẩu, dừng đột ngột để tranh giành khách đã gây tai nạn giao thông, gây thương tích cho người đi đường.

Trong khi đó, bến xe khách liên tỉnh phía Nam, đã được đầu tư cả trăm tỷ đồng, lại trong tình trạng bỏ trống đã lâu vì không thể thu hút được một tuyến xe nào đến hoạt động. Lẽ ra trước thời điểm ngăn đường xây dựng cầu vượt ngã ba Huế, ngành chức năng nên đưa các tuyến xe đi vào Nam và Tây Nguyên về hoạt động ở bến xe khách liên tỉnh phía Nam như là giải pháp phân luồng giao thông để giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường tránh ngã ba Huế, nhưng vẫn bỏ trống bến xe này.

Được biết, do vướng các điều luật, quy định của Nhà nước khiến thành phố và các cơ quan chức năng không thể can thiệp, “bắt ép” các doanh nghiệp về hoạt động ở bến xe phía Nam. Nhưng trong trường hợp ngăn đường để xây dựng cầu vượt ngã ba Huế, việc đưa các tuyến xe đi phía Nam và Tây Nguyên về hoạt động ở bến xe phía Nam cần được xem và hiểu là giải pháp phân luồng giao thông. Vì vậy, thành phố và ngành chủ quản có thể yêu cầu đưa một số tuyến xe về hoạt động ở bến xe phía Nam. Việc làm này không chỉ là tiền đề đưa bến xe phía Nam vào hoạt động, còn giải quyết được tình trạng mất an toàn giao thông do các xe khách hoạt động lộn xộn ở các tuyến đường Tôn Đản, Trường Chinh… Bên cạnh đó, càng nâng cao hiệu suất khai thác của một số tuyến xe buýt có lộ trình đi qua bến xe phía Nam và càng thuận tiện cho hành khách vì trung chuyển bằng xe buýt.

Tạo sự thuận tiện cho người dân, giảm sức ép mật độ giao thông qua các tuyến tránh là yêu cầu khách quan và hợp lý, hợp tình. Năm 2014 được thành phố chọn là “Năm Doanh nghiệp”, có lẽ các ngành chức năng nên rà soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư, bởi đó là tín hiệu quan trọng cho một môi trường đầu tư lành mạnh và tích cực.

QUỲNH LIÊN
 

;
.
.
.
.
.