.

Tăng giá đầu năm

Một thông tin tưởng không vui đối với người tiêu dùng nước sạch của thành phố Đà Nẵng vào đầu năm mới Giáp Ngọ 2014 là giá nước sạch được điều chỉnh theo quyết định của UBND thành phố; bởi đơn giá nước (chưa có thuế VAT) áp dụng từ 1-2-2014 tăng từ 300 - 500 đồng/m3, cá biệt như kinh doanh dịch vụ tăng khoảng 1.200 đồng/m3. Thế nhưng, nếu cộng phí bảo vệ môi trường để ra giá tổng tiêu thụ thì mức giá mới lại giảm (trừ khối hành chính sự nghiệp tăng 69,52 đồng/m3).

Không chỉ giá nước sạch, mà nhiều bảng giá về nhà trọ, thực phẩm… của thành phố đã không tái diễn cảnh tăng giá trước Tết và thiết lập mặt bằng giá mới sau Tết như mọi năm. Bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo các mặt hàng phục vụ Tết, bảo đảm nguồn cung sau Tết của các ngành chức năng và của các doanh nghiệp, thì việc bám sát thị trường, theo dõi chặt chẽ và có điều chỉnh hợp lý đã góp phần bảo đảm cho giá cả ổn định. Việc người dân bình tĩnh trước những biến động thị trường, có cách hành xử đúng đắn, không “tát nước theo mưa”… cũng góp phần cho việc thị trường giá cả ổn định; từ đó góp phần quan trọng vào ổn định xã hội, nhất là trong những thời điểm còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Thế nhưng, cũng có tin không vui, là từ sau Tết, mặt bằng giá các loại sữa lại tăng. Trong khi sữa nội công bố mặt bằng giá mới, thì sữa ngoại lại âm thầm tăng – từ 5-7%. Công khai như Vinamilk thì giá sữa tăng 6% kể từ ngày 10-2. Lý do chính để tăng giá sữa trong nước vẫn là điệp khúc “thị trường thế giới”: “Từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30% - 57% so với cùng kỳ năm trước”. Giá thu mua nguyên liệu trong nước, theo Vinamilk, là tăng khoảng 22,6%...

Dĩ nhiên, trong cơ chế hội nhập kinh tế thế giới, việc tăng - giảm giá theo thị trường chung là không tránh khỏi, đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước phải chịu sự cạnh tranh. Nhưng, cũng như giá xăng dầu, việc tăng giá của các loại sữa căn cứ trên “giá nguyên liệu thế giới” dường như không được quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ, kể cả chất lượng sữa. Mặc dù đã cải thiện một phần với việc yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá, nhưng việc kiểm soát, nhất là thiếu phép quy chiếu giá làm giảm hiệu lực quản lý giá. Đặc biệt, việc cho phép các doanh nghiệp được tăng giá từ 15-20% và cách 15 ngày giữa 2 lần tăng giá cũng là yếu tố để doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa có “điều kiện” để tăng giá khi cần thiết.

Như vậy, bên cạnh yếu tố thị trường, bảo đảm sự phát triển của doanh nghiệp…, thì luôn luôn cần sự quản lý, điều hành một cách chặt chẽ và hiệu quả của cơ quan chức năng trên lĩnh vực giá cả và hàng hóa, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và trật tự xã hội, nhất là trong thời điểm nhạy cảm sau Tết.

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.