1. Khi có tín hiệu đoàn tàu sắp chạy qua cắt ngang đường bộ, nhân viên trực gác chắn phải kéo thanh chắn để bảo đảm an toàn giao thông cả đường sắt lẫn đường bộ (đoạn giao nhau).
Thường thì các nhân viên trực gác chắn vẫn để hở một phần thanh chắn đủ cho xe gắn máy lách qua, linh động để người đi đường không phải chờ quá lâu. Thế nhưng, sự linh động đó tạo tâm lý cho một số người đi đường nhiều khi “làm liều”, chủ động mở thanh chắn để tranh thủ qua đường dù đoàn tàu đã cận kề.
Trong một lần chờ tàu tại điểm giao giữa đường sắt và đường bộ trên đường Nguyễn Sinh Sắc, người viết chứng kiến tình huống: mặc dù nhân viên gác chắn đóng kín thanh chắn nhưng bất ngờ có một người đi xe máy tự động mở thanh chắn để chạy qua đường ray khi tàu đang tới.
Phía thanh chắn đối diện có một nhân viên nam trực giữ thanh chắn không cho người đi xe máy qua đường, nhưng rồi người đi xe máy cũng chạy qua được. Người đi xe máy đã quá liều lĩnh nhưng nhân viên gác chắn cũng hành xử không đúng khi tỏ ra hung hãn và thậm chí “chửi thề”.
Ví dụ trên là một trong rất nhiều tình huống tương tự vẫn xảy ra khi trên địa bàn thành phố có rất nhiều gác chắn giao nhau giữa đường sắt và đường bộ. Chưa kể, trong thời gian chờ tàu, người và phương tiện tham gia giao thông ở hai phía đối diện dừng xe rất lộn xộn, lấn chiếm sang phần đường trái chiều, làm xấu hình ảnh của một đô thị văn minh. Có người nói vui rằng, chỉ tại cái thanh chắn!
2. Ông Trần Tấn Lực, Đội trưởng Đội quy tắc đô thị quận Thanh Khê than thở rằng, sau khi ra quân quyết liệt xử lý số người buôn bán hải sản trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành, họ lại tràn xuống bãi biển khuất dưới kè chắn sóng để hoạt động. Tình trạng buôn bán hải sản và nước giải khát, giữ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Nguyễn Tất Thành diễn ra phức tạp trong thời gian dài và chưa có “thuốc đặc trị” tuyệt đối.
Nay lực lượng chức năng tiếp tục ra quân đẩy đuổi, thì hoạt động buôn bán lại dạt xuống bờ biển, gây cảnh nhếch nhác và ô nhiễm môi trường bờ biển du lịch. “Anh em trực thường xuyên để không tái diễn cảnh buôn bán nhếch nhác trên vỉa hè. Nhưng khi hoạt động đó diễn ra trên bãi biển, anh em can thiệp, đẩy đuổi, thì nhiều lúc bị cự cãi và đe dọa bằng vũ lực. Mình tay không, họ có vật dụng chống trả khiến anh em chùn tay”, ông Lực nói. Từ việc buôn bán trên vỉa hè đến dưới bãi biển dẫn đến cảnh nhếch nhác, tạo nên hình ảnh phản cảm về trật tự đô thị và an toàn giao thông.
Trong khi toàn thành phố đang nỗ lực thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, thì những điều chưa văn hóa, văn minh như trên rất cần được xóa bỏ. Bảo rằng tại cái thanh chắn hay cái kè chắn sóng là cách nói ngược để hướng đến ý thức của con người còn hạn chế trong việc xây dựng văn hóa, văn minh đô thị. Xây dựng thành phố văn hóa, văn minh cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và từng người dân bằng những hành động nhỏ nhất. Trước hết, người tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm, đúng luật; người buôn bán vỉa hè cần chấp hành quy định của cơ quan chức năng.
TRỌNG HUY