.

Người Đà Nẵng nói không với say xỉn

Trên báo Thanh niên ngày 10-6-2015, trong phụ trương Nhịp sống miền Trung có bài Rượu vào ra án mạng của Nguyễn Tú, nêu 3 vụ phạm pháp hình sự xảy ra những tháng đầu năm 2015 ở thành phố Đà Nẵng. 3 vụ này có chung đặc điểm:

Đối tượng gây án đều rất trẻ: Nguyễn Việt Sơn chưa đầy 14 tuổi 6 tháng; Huỳnh Hữu Như Minh, Nguyễn Quốc Tuấn, 16 tuổi; Nguyễn Văn Phúc, 15 tuổi; Huỳnh Văn Phương, 25 tuổi.

Và tất cả đều có nguyên nhân từ bia, rượu.

Gần đây, tần suất các vụ trọng án có liên quan đến say xỉn tăng lên. Những người gửi gắm nhiều hy vọng vào “thành phố 5 không” bức xúc với câu hỏi “Bao giờ thì Đà Nẵng mới hết hiện tượng giết người?” (5 không quy định không giết người để cướp của, bây giờ giết người vì những cớ không đâu, loại nào nguy hiểm hơn, tệ hại hơn). Và dù bất luận vì lý do gì, có chuyện chém giết người là Đà Nẵng càng xa hơn mục tiêu thành phố yên bình, hài hòa, thân thiện, thành phố đáng sống.

Mong rằng những vụ trọng án này như giọt nước tràn ly sẽ làm mọi người nhất trí trong nhận thức, hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của nhậu nhẹt say xỉn, và cả thành phố đồng thuận tuyên bố: “Người Đà Nẵng nói không với nhậu nhẹt say xỉn. Người Đà Nẵng uống bia, rượu có chừng mực, có trách nhiệm”. Xem đó như một cam kết cộng đồng trong thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Ai cũng rõ nhậu nhẹt say xỉn là nguyên nhân của phần lớn vụ bạo hành gia đình. Nhiều đức ông chồng rượu vào là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ con, và vợ con không đưa tiền cho ông mua rượu cũng bị ông đánh thừa sống thiếu chết. Bao gia đình tan nát, cha còn sống đó mà vì rượu, con lâm vào cảnh cơ cực hơn cả mồ côi.

Những thống kê gần đây cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao quá mức cho phép. Nhiều vụ tai nạn đau lòng để lại những mất mát không gì bù đắp được cho mình và gia đình cũng như cho người và gia đình khác. Chúng ta nhất định phải tuân thủ quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe; đã lái xe không uống rượu, bia”. Đó là hành xử văn minh, tôn trọng mình và tôn trọng người khác.

Qua các chuyện vụ án, chúng ta thấy “Giết người rồi để nguyên giày dép, quần áo dính máu ngủ vùi vì quá say xỉn” thì đủ biết hành động dã man là do rượu điều khiển chứ không do bất cứ một hoạt động nào của đầu óc lành mạnh. Và như nhóm hung thủ Minh đã thú nhận “chỉ có nhậu trước khi lâm sự thì đánh nhau mới dạn tay”, nghĩa là rượu vào làm cho phần con thú mạnh hơn, lấn lướt phần con người.
Y học ngày nay còn chỉ ra nhiều hệ lụy lâu dài của rượu, các đồ uống có cồn, không chỉ với thế hệ này mà cả thế hệ sau và sau nữa vẫn có thể bị ảnh hưởng độc hại của rượu.

Để cho khẩu hiệu, lời cam kết “Người Đà Nẵng nói không với nhậu nhẹt say xỉn, người Đà Nẵng uống bia, rượu có chừng mực, có trách nhiệm” đi vào cuộc sống thành hành động, thành phong trào có rất nhiều việc phải làm. Tất nhiên không phải mọi sự đều dễ dàng. Nhưng với sự đồng thuận của nhân dân, Đà Nẵng đã làm được những việc lớn dời non lấp biển, sắp đặt lại giang sơn, nếu chúng ta thực sự cho dân hiểu, dân thông, dân làm thì sẽ là không có việc gì khó.

Chúng ta không sợ nói không với nhậu nhẹt say xỉn sẽ chỉ là phong trào bùng lên rồi xẹp đó. Làm thế nào để trong mọi gia đình vợ khuyên chồng, cha bảo con, anh em nhắc nhở nhau…; các tổ dân phố, các nhóm tổ phụ nữ, cựu chiến binh đều chung một cam kết… Các cơ quan, các công chức, viên chức thì chấm dứt cảnh mỗi chiều gây một độ nhậu - có chiếc áo mới, thậm chí mới cắt tóc cũng thừa lý do để nhậu.

Nếu Đà Nẵng phát động và trở thành địa phương đi đầu trong nói không với nhậu nhẹt say xỉn thì càng tốt bởi đây là những việc tạo nên sự văn minh lành mạnh phù hợp với đạo lý truyền thống.

Chúng ta không bài xích bia rượu, chúng ta nói không với nhậu nhẹt say xỉn và uống bia rượu có chừng mực, có trách nhiệm. Có thể vì cuộc vận động này mà doanh thu và khoản nộp ngân sách của ngành sản xuất bia rượu cũng như khoản thuế thu được từ các quán nhậu, điểm kinh doanh bia rượu sẽ giảm nhưng về lâu dài chúng ta sẽ thấy cuộc sống của thành phố, cuộc đời của mỗi người, mỗi nhà yên bình hơn, thanh thản hơn.

Chúng ta có thể kêu gọi những chủ quán nhậu, bãi nhậu có trách nhiệm trong việc kinh doanh mặt hàng bia rượu. Người bán bia rượu không thể nói “tôi vô can” với mọi sự quậy phá, bạo hành của thực khách khi họ say xỉn. Họ phải có trách nhiệm với những hành động sai trái của thực khách đã ăn nhậu ở quán của mình. Nếu thấy khách có dấu hiệu ngà ngà thì có thể dừng không bán tiếp bia rượu, nếu thấy đã xỉn quắc cần câu thì có thể khéo léo cho 1 viên thuốc giã rượu hoặc nhờ các bạn đưa về nhà an toàn.

Đà Nẵng cũng có thể xin với Trung ương cho thực hiện thí điểm một số quy định như không bán bia, rượu cho người dưới 18 tuổi.

Nhà văn Gam-gia-tốp (Đa-ghét-tan) có một câu nói rất thâm thúy “Phải trải luyện mấy ngàn năm con vượn mới trở thành con người, thế nhưng chỉ một cuộc nhậu say xỉn, một con người dễ dàng trở thành một con vượn”.

Chúng ta chẳng những đã là con người, chúng ta lại muốn là những người chủ của một thành phố văn minh, hiện đại, một thành phố yên bình, hài hòa, thân thiện, một thành phố đáng sống. Nhất định chúng ta sẽ hành xử đúng với tệ nạn nhậu nhẹt, say xỉn, cũng như hành xử đúng với bia, rượu.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.