Những điều nghe thấy
Lễ hội kiểu gì?
ĐNĐT - Khác với hình ảnh quảng bá hết sức hoành tráng trên các cổng chào tại Công viên 29-3, Lễ hội Văn hóa Ẩm thực quận Thanh Khê năm 2015 diễn ra không hơn gì một chương trình bán hàng bình dân, có lô tô giải trí. Ngay khi lễ hội chưa kết thúc đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của không ít người dân thành phố.
Lễ hội ẩm thực hay lễ hội bán hàng thời trang? |
Sau lễ khai mạc đầy nét văn hóa với tiết mục biểu diễn cồng chiên Tây Nguyên và những phát biểu đầy ý nghĩa của nhà tổ chức, đã có nhiều người dân đến tham quan. Thoạt nhìn tổng thể số gian hàng, không ai nghĩ rằng quy mô tổ chức lễ hội sơ sài đến vậy. Trong khi “chất” văn hóa và ẩm thực quá mờ nhạt thì hoạt động bán hàng lại lấn át.
Đáng nói, sản phẩm phục vụ người tiêu dùng không có gì đặc sắc, quanh đi quẩn lại những gian hàng quần áo, giày dép, nịt lưng, dao kéo, mỹ phẩm, bánh kẹo, hàng gia dụng được bày biện tạm bợ với chất lượng thường thường như nhau. Thậm chí, những món hàng “xôn” (hàng đổ đống giá rẻ) không nhãn mác xếp tầng tầng lớp lớp trong các thùng giấy trưng ra khuyến mãi nhằm kéo khách.
Khi lễ hội chưa được ghi nhận tín hiệu tích cực, thì chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin người dân phản ánh. Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ở đường Nguyễn Tri Phương, đối diện Công viên 29-3) cho biết: “Nghe quảng bá về lễ hội, gia đình tôi đã rủ nhau đi tham quan. Nhưng thấy thất vọng quá, chưa có lễ hội nào lại như thế này. Quảng bá thì “kêu” mà thực chất chẳng ra làm sao. Lúc chưa vào mấy đứa con tôi háo hức bao nhiêu thì lúc ra lại thấy bực bội bấy nhiêu. Nói ẩm thực là nói đến những món ăn đặc sắc, nhưng đến đây thì chẳng có cái gì ăn được cho ra hồn”.
Thẩm định lại tính khách quan, những ngày qua, chúng tôi trở lại lễ hội. Quả thực, dò tìm đỏ mắt vẫn không có món ăn nào cho xứng với giá trị tên gọi mà nhà tổ chức đưa lên giới thiệu. Nhẩm đếm hơn 60 gian hàng tham gia kinh doanh tại đây thì ẩm thực chỉ có dưới chục quầy, chủ yếu là xe nước mía, tủ kem, mâm kẹo mút.
Một gian hàng khác có tên gọi khá lạ “đá bào tuyết” có diện tích hết sức khiêm tốn với 2 cái xô đá và 3 chiếc bình thủy tinh chứa chất lỏng như si rô màu xanh, đỏ dọn ra từ nửa buổi sáng nhưng chỉ có vài khách. Những gian ẩm thực lớn hơn của Công ty Việt Sin cũng chỉ toàn cá viên chiên, chả chiên đông lạnh…, có lẽ chỉ hợp với các cháu nhỏ. Thậm chí, mấy chị em phụ nữ còn gánh hàng rong như bánh lọc, banh canh bên ngoài được đưa vào để phục vụ chính những người bán hàng trong lễ hội.
Bắt gặp và hỏi chuyện nhiều người đi tham quan đã mua được gì tại đây chưa thì hầu hết đều lắc đầu thừa nhận “không ăn được thứ gì” bởi “có thứ gì đâu mà ăn”. Bà Bùi Thị Chuyền (nhà khu bờ hồ Thạc Gián) nhận xét: “Nếu là Lễ hội ẩm thực thì phải phục vụ những món ăn đúng nghĩa, chứ nếu chỉ là những món ăn sáng như bún bò, bánh bèo, bánh lọc, mì quảng, nước mía thì chúng tôi ăn ở ngoài có khi còn đảm bảo vệ sinh hơn chứ đến lễ hội làm gì cho mất công?”.
Một người dân khác ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê bức xúc nói: “Đã gọi là văn hóa thì phải đúng với tên của nó chứ đừng quảng bá một đằng, làm một nẻo. Lễ hội Văn hóa ẩm thực mà bày biện áo quần, đồ lót tùm lum, thậm chí còn bốc thuốc nam chữa bệnh thì lạ quá. Người dân chúng tôi khi tận mắt chứng kiến lễ hội kiểu này trách nhà tổ chức một, nhưng trách nhà cấp phép mười”.
Thực tế, những ngày cuối tuần nhiều người dân vẫn đổ về Công viên 29-3 để vui chơi kết hợp tham quan các gian hàng. Tuy nhiên, đa số người dân tỏ ra thất vọng vì hàng hóa kém hấp dẫn và lễ hội thì không đúng như tên tên gọi. Với những gì đã diễn ra thật khó để chứng minh đây là một Lễ hội ẩm thực(?!) Được biết, đơn vị đứng ra triển khai lễ hội là Công ty TNHH Hà Thanh Trí, song đây không phải là lần đầu tiên công ty này tổ chức một chương trình gây nhiều điều tiếng.
Trước đó vào tháng 11- 2014, công ty này cũng được cấp phép để tổ chức Tuần lễ bán hàng Việt nhưng sau đó lại cho doanh nghiệp đưa hàng Trung Quốc vào bán một cách khó hiểu. Qua sự việc trên cho thấy, hình ảnh lễ hội đã bị lạm dụng một cách vô tội vạ nhằm che đậy một chương trình bán hàng mang tính thương mại hóa, gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Và rõ ràng vấn đề trách nhiệm ở đây đặt ra từ hai phía: Nhà tổ chức cũng như cơ quan cấp phép đã lơi lỏng trong việc quản lý, kiểm tra một lễ hội “hoành tráng” giữa trung tâm thành phố.
Bài và ảnh: Hồng Anh