Có phải Đà Nẵng đang thiếu lao động là câu hỏi được đặt ra một cách nghiêm túc nhân việc Công ty TNHH Sichuan Huashi Việt Nam - có công ty mẹ tại Tứ Xuyên, Trung Quốc - đề nghị chính quyền thành phố đồng ý để Sichuan Huashi đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên đến Đà Nẵng tham gia xây khách sạn JW Marriott do công ty này làm chủ đầu tư.
Xưa nay thợ xây dựng Đà Nẵng vẫn được đánh giá là có tay nghề cao, từng vào Nam ra Bắc hành nghề, và hàng trăm công trình xây dựng kiên cố, hoành tráng trên mọi miền đất nước đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng qua bàn tay lao động cần cù cùng kỹ thuật điêu luyện của thợ xây dựng Đà Nẵng. Vì thế lấy cớ không tuyển được lao động tại chỗ do chất lượng thợ xây dựng Đà Nẵng không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao trong thi công xây dựng khách sạn JW Marriott nhằm đưa hàng trăm lao động từ Trung Quốc sang rất không thuyết phục.
Kỹ thuật trong công nghiệp xây dựng dân dụng chắc không thể phức tạp bằng kỹ thuật trong công nghiệp điện tử, nhưng chưa hề thấy Công ty Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên lấy cớ không tuyển được lao động tại chỗ do chất lượng lao động ở Thái Nguyên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao trong lắp ráp sản phẩm điện tử/điện thoại di động để đưa lao động từ Hàn Quốc sang.
Thử hỏi Công ty TNHH Sichuan Huashi Việt Nam đã thông báo rộng rãi về việc tuyển lao động tham gia xây khách sạn JW Marriott chưa? Thông báo ở đâu và tiêu chuẩn tuyển dụng như thế nào? Và đã có bao nhiêu ứng viên người Đà Nẵng nói riêng, người Việt nói chung tham gia dự tuyển và bao nhiêu phần trăm trong số ứng viên ấy đã bị loại? Hạn chế phổ biến của những ứng viên bị loại là gì? Về trình độ kỹ thuật hay về ý thức lao động?
Nếu không đặt ra và đòi hỏi nhà đầu tư trả lời sòng phẳng những câu hỏi ấy thì chính quyền thành phố không những không thể thẩm định được đề nghị của Công ty TNHH Sichuan Huashi Việt Nam về việc đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên qua Đà Nẵng để từ đó quyết định chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị của nhà đầu tư, mà còn không thấy rõ nguyên nhân bất cập trong đào tạo lao động của Đà Nẵng nhằm kịp thời khắc phục một cách hiệu quả.
Một dự án đầu tư nước ngoài được “trải thảm đỏ” để mời gọi vào Đà Nẵng - và không chỉ Đà Nẵng - bao giờ cũng phải đáp ứng cùng lúc ba yêu cầu: một là thu hút dòng vốn từ bên ngoài chảy vào địa phương; hai là được chuyển giao công nghệ hiện đại hơn công nghệ vốn có của mình và ít ra cũng không thấp hơn mặt bằng chung về trình độ công nghệ trong khu vực; ba là thâm dụng được nguồn lao động tại chỗ. Vậy dự án xây khách sạn JW Marriott do Sichuan Huashi Việt Nam làm chủ đầu tư đã đạt được một, hoặc hai, hoặc ba yêu cầu này? Hay chưa đạt yêu cầu nào?
Khi đề nghị đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên qua Đà Nẵng tham gia xây khách sạn JW Marriott, nhà đầu tư đã chính thức khẳng định yêu cầu thứ ba chưa đạt, và theo họ cái chưa đạt này là do Đà Nẵng đang thiếu lao động! Có đúng vậy không? Có thực thế không? Hay đấy chỉ là cái cớ để buộc Đà Nẵng phải chấp nhận sự có mặt của 300 lao động Trung Quốc ở khu vực bờ biển đang vọng hải đài?
Đây không phải là câu chuyện quản lý không được thì cấm. Đây chính là câu chuyện thương hiệu của Đà Nẵng trên lĩnh vực tạo nguồn nhân lực, đồng thời cũng là câu chuyện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Nàng Mỵ Châu trong cổ tích còn lấy lý do trái tim đặt nhầm chỗ để mà vô ý, còn người Đà Nẵng đương đại, chúng ta lấy lý do gì để biện minh cùng hậu thế nếu chúng ta cũng vô ý như nàng?
Bùi Văn Tiếng