.

"Tối hậu thư" cho các lô đất bỏ hoang

.
(ĐNĐT) - Đà Nẵng sẽ ngừng cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng và chuyển quyền sử dụng đất đối với các lô đất để trống, bỏ hoang chưa sử dụng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị đã bị lập biên bản do không tiến hành dọn vệ sinh.
 
Mặc dù UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, phườn yêu cầu chủ các lô đất bỏ hoang chưa sử dụng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị phải dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, song tới nay nhiều lô vẫn… giữ nguyên “hiện trạng”.
 
Người dân bức xúc
Dọc theo tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đường 3 tháng 2, đường Như Nguyệt (Bạch Đằng nối dài)… vẫn còn rất nhiều lô đất đã có chủ nhưng bỏ hoang lâu năm. Nơi đây trở thành điểm tập kết của rác thải, xà bần và cỏ dại mọc um tùm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và tạo thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết bùng phát.
 
hoang-3.jpg
Bà Tình chỉ vào 6 lô đất bỏ hoang trước nhà, bức xúc: mặc dù đã treo tấm bảng cấm đổ rác nhưng hiệu quả cũng không ăn thua
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Tình (tổ 47, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chỉ tay ra “núi rác” nằm trên lô đất bỏ hoang trước nhà, bức xúc: "Cả 6 lô đất bỏ hoang đã có chủ sở hữu. Người chủ này mua đã hơn 10 năm nay nhưng không làm mà để đó chờ lên giá thì bán lại, khiến cây cỏ mọc um tùm, rác thải của người dân đổ lén ra đó bừa bộn. Mùa nắng thì mùi hôi thối khó chịu theo gió biển thốc vào nhà, mùa mưa thì những lùm cây dại làm nơi cho muỗi sinh sản dày đặc".
 
Bà Tình cho biết, mặc dù đã treo tấm bảng cấm đổ rác nhưng cũng không ăn thua. Mọi người trong tổ đều rất bức xúc và mỗi dịp họp tổ dân phố 46 và 47 đều phản ánh, phường cũng huy động các hộ dân đóng tiền và dọn vệ sinh nhưng hiệu quả thì chẳng thấy nhiều vì một số người lợi dụng khoảng thời gian từ 3-4 giờ sáng đưa xe rùa, xe bò… chở xà bần ra đổ trộm.
 
Có chung bức xúc tương tự, ông Nguyễn Tiến (53 tuổi, trú tổ 18 phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết hai lô đất bỏ trước nhà (nằm cạnh cầu Đá, trên trục đường 3 tháng 2) đã có người ở Hà Nội vào mua cách đây 4 năm nhưng vẫn bỏ hoang từ đó tới giờ khiến cây dại mọc um tùm, ruồi muỗi dày đặc.
 
"Khổ nhất là những ngày trời mưa, mùi hôi thối của rác thải người dân vứt trong đó bốc lên nồng nặc, khó chịu. Nhiều người dân trong tổ 18 rất bức xúc, phản ánh nhiều lần họ mới thuê người đến xây tạm bức tường rào đó", vừa chỉ tay về phía bức tường xây tạm, cao khoảng 1m của lô đất trước nhà, ông Tiến nói. Một người dân khác cho biết, từ khi chủ lô đất cho xây tường lên, thoạt trông thì khuất mắt, nhưng rác thải, súc vật chết... thì đầy trong đó.
"Chúng tôi cũng có nghe phong thanh về thông tin sắp tới thành phố sẽ làm sạch các lô đất hoang này, nên cũng nóng lòng chờ đợi. Chỉ mong sao họ giải quyết cho thật nhanh, sạch để chúng tôi đỡ khổ vì mùi hôi và ruồi muỗi từ đó nữa", bà Võ Thị Hường (tổ 27 phường Thuận Phước) nói.
 
Ngừng cấp phép nếu không dọn vệ sinh
 
Trước thực trạng trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 780/UBND- QLĐTh ngày 15-2-2011 về việc xử lý các lô đất bỏ hoang gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị thành phố và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra thực tế các lô đất bỏ hoang trên các tuyến đường trên biết chủ trương xử lý.
 
hoang-2.jpg
Các lô đất để trống, bỏ hoang gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị sẽ bị ngừng cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất
 
Bà Phạm Thị Chín, Phụ trách Văn phòng Dự án quản lý tổng hợp vùng bờ Đà Nẵng (ICM) - Sở Tài nguyên và Môi trường, cho hay, ngày 7-3, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của phường, tổ dân phố tiến hành kiểm tra và lập biên bản hiện trường đối với những lô đất bỏ hoang, và ước tính khối lượng xà bần…
 
Theo bà Chín, hiện việc làm này mới bắt đầu triển khai ở quận Thanh Khê, sau đó mới tiếp tục làm rộng ra toàn thành phố. Tuy nhiên, đến nay mới có phường Xuân Hà (có 81 lô đất còn bỏ hoang) và phường Thanh Khê Tây (35 lô) đã bị lập biên bản, các phường khác hiện đang chờ báo cáo.
 
Mới đây nhất, ngày 8-3, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra "tối hậu thư" đối với chủ sở hữu các lô đất bỏ hoang. Theo đó, thành phố sẽ ngừng cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất đối với các lô đất để trống, bỏ hoang chưa sử dụng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị đã bị lập biên bản do không tiến hành dọn vệ sinh. Hoạt động cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và chuyển quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi chủ sở hữu hoàn trả xong các khoản kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý các loại rác thải, xử lý môi trường và rào chắn bảo vệ đất.
 
"Chúng tôi đã giao cho các phường tiến hành lập biên bản hiện trường với các lô đất bỏ hoang, có sự chứng kiến của lãnh đạo tổ dân phố và người dân ở nơi đó. Từ ngày 13-3 tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND các quận, phường tiến hành ra quân thu dọn vệ sinh, rào chắn và bàn giao các lô đất này cho UBND phường quản lý, bảo vệ. Kinh phí để thực hiện trước hết sẽ do Sở huy động từ các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp. Sau này chi phí hết bao nhiêu sẽ có văn bản gửi các chủ lô đất đã được dọn dẹp hoàn trả đầy đủ", bà Chín nhấn mạnh.
 
Hy vọng với cách làm quyết liệt này, trong thời gian ngắn sắp tới, những lô đất hoang gây ô nhiễm trên khắp địa bàn thành phố sẽ trở nên sạch sẽ, vệ sinh hơn.
 
Bài và ảnh: Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.