Không còn tình trạng sa tặc hoành hành, thưa dần những thủy tặc sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản trên sông, nhưng, mùa mưa lũ đang ngấp nghé, hệ lụy của quá khứ để lại cho dòng sông Túy Loan đến nay vẫn còn nhiều vết tích chưa được hàn vá. Dù có nhiều đoạn bờ sông sạt lở nghiêm trọng đã được kè bờ bao an toàn, nhưng vẫn còn đó nhiều đoạn xung yếu chờ bàn tay con người vá lại.
Bà Phú chỉ chỗ sạt lở sau nhà mình. |
Sông Túy Loan là một phụ lưu của sông Cầu Đỏ, nằm trong lòng huyện Hòa Vang với chiều dài khoảng 30km. Người dân hai bên ven sông bao đời sống nhờ con tôm con cá. Những lễ hội sông nước Túy Loan cũng theo đó mà hình thành. Thế nhưng, đời sống đô thị hóa, nhu cầu xây dựng cũng như quá trình biến tướng trong đánh bắt khai thác thủy sản trên sông đã hằn lên vết thương lòng cho dòng sông. Sau những quần đảo của sa tặc, con sông “rỗng lòng” và dòng chảy đổi hướng, khoét sâu vào bờ đã cuốn đi bao nhiêu đất đai, vườn tược của người dân. Tiếng sông ngoặm đất hằng đêm ám ảnh cả trong giấc ngủ bao người. “Lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ, đêm ngủ cũng giật mình vì không biết đang nằm trên giường hay đã rơi xuống sông rồi”, một người dân ở thôn Túy Loan Đông cho biết.
Cụ bà Trần Thị Phú ở thôn Bồ Bản 1 đã ở tuổi gần đất xa trời vẫn khốn khổ với cảnh sống bấp bênh: “Năm rồi lũ nhỏ đỡ sợ, chứ những năm trước lũ lớn, cả nhà chen nhau chạy như chạy giặc; nhìn nước sông cuồn cuộn cuốn đi bao nhiêu đất đai, nhà cửa mà đành bất lực. Suốt ngày ăn ngủ không yên, sau lũ trở về ngó xem nhà mình bị sạt đi bao nhiêu thước đất”.
Trong hàng cá chợ Túy Loan, nay đã hiếm dần con tôm, con cá từ dòng sông quê. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Hòa Vang, trong năm 2010, phòng đã tiến hành xử phạt 6 đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Túy Loan. Đối với tình trạng đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông bằng xung điện, thuốc nổ, chất độc, phòng đã phối hợp với các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú… ra quân truy quét; bắt xử lý 55 trường hợp tại xã Hòa Nhơn; thuyết phục 37 đối tượng đánh bắt cá bằng xung điện tại xã Hòa Phú bỏ nghề hoặc không sử dụng xung điện (có bản cam kết); truy bắt 3 đối tượng, tịch thu tang vật, thuyết phục 5 đối tượng giao nộp phương tiện đánh bắt bằng xung điện cho Công an xã… Tuy vậy, qua báo cáo của phòng, mặc dù tình hình buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản trên địa bàn huyện đã thưa dần, nhưng vẫn còn một số đối tượng sử dụng xung điện đánh bắt vào ban đêm trên các dòng sông, ao hồ gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.
Công trình nghiên cứu “Đánh giá chất lượng nước sông Cầu Đỏ - Túy Loan ở TP. Đà Nẵng bằng hệ thống BMWPVIET” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Khánh, Phạm Thị Hồng Hà, Đàm Minh Anh thuộc Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cũng ghi nhận, ở khu vực thượng nguồn vào đầu năm 2010 là do có sự xáo trộn lớn của môi trường nước từ các đợt mưa và hoạt động khai thác cát sạn diễn ra mạnh ở khu vực thượng nguồn. Điều này làm xáo trộn cấu trúc nền đáy và hệ thực vật thủy sinh vốn là giá thể và là thức ăn của các loài động vật không xương sống. Theo kết luận của Đề tài nghiên cứu: “Chất lượng nước sông Túy Loan - Cầu Đỏ đã có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ, khu vực thượng nguồn chịu nhiều tác động từ các hoạt động khai thác cát sạn, trong khi các hoạt động xả thải ở khu vực hạ lưu đã có những tác động đến chất lượng nước sông”. Ông Lâm Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, trên địa bàn xã đoạn sông Túy Loan chảy qua, hiện có khoảng 3.000m bờ sông có nguy cơ sạt lở cao với khoảng 50 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên hiện mới chỉ có 380m xây dựng được bờ bao an toàn. Vừa qua, ngày 15-5 thành phố tiếp tục đầu tư khởi động dự án kè bờ bao ven sông ước dài khoảng 500m để bảo đảm cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng an tâm sinh sống.
Mùa mưa lũ đang cận kề, những dòng nước cuộn trào đổ về sẽ còn đe dọa hàng trăm con người sống hai bên bờ sông. Hay tin bờ sông sắp được kè thêm nhiều đoạn xung yếu, biết bao nhiêu con người sống ven bờ đã mừng vui tỏ rõ: “Bao đời chúng tôi chung thủy với dòng sông, tưởng có lúc đã phải chuyển đi do mức độ “ăn đất” của nó khủng khiếp. Nhưng mai này, bờ kè hoàn thành, dân chúng tôi sẽ lại được bình yên bên dòng sông quê hương”.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY