.

Siết chặt quản lý khoáng sản

.

Khoáng sản là tài nguyên hầu hết không tái tạo được và là tài sản quan trọng của quốc gia và mỗi địa phương. Phải nói rằng trong thời gian gần đây, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản có khá hơn trước, thế nhưng do nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng các công trình ngày một tăng cao, dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây mất an toàn lao động và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường nghiêm trọng.

 

Mô tả ảnh.
Khai thác khoáng sản, ảnh hưởng cảnh quan môi trường của thành phố.

 

Theo tài liệu điều tra của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận 11 loại khoáng sản rắn và một nguồn nước nóng - nước khoáng, chủ yếu nằm ở địa bàn huyện Hòa Vang. Theo nhận xét của Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu so sánh sự đa dạng, phong phú về chủng loại và trữ lượng khoáng sản thì trên địa bàn Đà Nẵng thuộc dạng nghèo so với nhiều địa phương khác trong cả nước, nhưng những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Chỉ tính riêng từ năm 2005- 2009, tổng thu ngân sách trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đạt 28,7 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên khoáng sản 10,2 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 18,5 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng vì lợi ích mang lại từ việc khai thác khoáng sản nên những năm gần đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở nhiều nơi, rõ nhất là khai thác cát sông, đất đồi, đất sét và đá chẻ. Thậm chí có không ít đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng lại không thực hiện đầy đủ các nội dung trong giấy phép, các biện pháp bảo vệ môi trường, khai thác không đúng thiết kế mỏ… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại đất và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Bên cạnh đó, việc vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép hoặc vượt quá tải trọng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây hư hỏng đường sá, cản trở giao thông, gây bụi bặm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong thời gian qua.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên một phần do các tổ chức, cá nhân khai thác làm liều, làm ẩu, bất chấp quy định pháp luật. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, một số địa phương buông lỏng, cho phép khai thác, tận thu khoáng sản không đúng thẩm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý cũng như xử lý các vụ việc xảy ra. Chỉ đến khi xảy ra tai nạn chết người mới thấy cơ quan chức năng xử phạt mạnh đơn vị khai thác khoáng sản trái phép. Chẳng hạn cách đây ít ngày, tại khu vực mỏ đá Hố Cái thuộc thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang xảy ra một vụ tai nạn trong quá trình khai thác đá trái phép, khiến một người thiệt mạng. Sau khi tai nạn xảy ra, chính quyền xã Hòa Sơn và huyện Hòa Vang mới đình chỉ hoạt động mỏ đá này để điều tra làm rõ.

Theo chúng tôi, để đưa hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đúng quy định pháp luật, giải pháp hàng đầu là phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Để quản lý tốt, điều cần làm là sớm hoàn chỉnh và công bố quy hoạch khoáng sản trong giai đoạn mới một cách cụ thể rõ ràng. Đó là căn cứ hết sức quan trọng để các sở, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng các phương án, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ cấp phép. Việc cấp phép phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế-xã hội của từng dự án gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, tránh việc cấp phép tràn lan như trước đây - là nguyên nhân của việc sang nhượng, mua bán mỏ trái phép. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải làm mạnh hơn, thường xuyên hơn. Kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để cho tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để ở trên địa bàn của mình.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.