.

Nước thải từ khu công nghiệp lại gây ô nhiễm môi trường

.
(ĐNĐT) - Nước thải từ khu công nghiệp Hòa Khánh tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
 
Sáng 22-6, Đội số 2, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Đà Nẵng) cùng lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước tại khu vực đồng Bàu Giữa – Gia Tròn và một đoạn của con sông Cu Đê chảy qua địa phận thuộc Tổ 21 phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) để xét nghiệm, tìm nguồn xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

Mô tả ảnh.
Lượng chức năng kiểm tra hiện trường và lấy mẫu nước tại khu vực nhánh của con sông Cu Đê chảy qua địa phận thuộc Tổ 21 phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) xét nghiệm.

Theo phản ảnh của người dân Tổ 21, mặc dù KCN Hòa Khánh đã có một nhà máy xử lý nước thải chung, nhưng vẫn xả ra môi trường nước xử lý, nước đen sì, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc…khiến bèo trên hồ nước chết trắng, nhiều cây cối quanh hồ chết khô. Hơn 30 ha trồng lúa của hàng trăm hộ dân nơi đây phải bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
 
Có mặt tại hiện trường mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây vì hàng ngày hàng trăm hộ dân phải sống chung mùi hôi thối nồng nặc do nước thải từ KCN Hòa Khánh xả thẳng ra đen sì chảy ra nhánh của con sông Cu Đê.
  
Dẫn chúng tôi tới cánh đồng Bàu Giữa – Gia Tròn (thuộc Khối Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), không giấu được bức xúc, ông Phạm Tấn Thạnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp I, phường Hòa Hiệp Nam cho biết: “Từ ngày nhà máy đi vào hoạt động đến giờ người dân ở đây phải chấp nhận sống chung với nước bẩn, mùi hôi. Họ xả nước thải ra cả ngày lẫn đêm, nhất là ngày trời mưa họ càng xả tràn lan. Chúng tôi đã phản ảnh tình trạng trên lên cơ quan chức năng nhiều lần rồi nhưng không thấy ai xử lý. Kêu mãi cũng chán, giờ không biết kêu ai nữa”.

Đặc biệt, nước thải ô nhiễm từ KCN Hòa Khánh còn đe doạ trực tiếp đến việc sản xuất. Theo ông Thạnh, cả phường có khoảng 70ha trồng lúa, nhưng đến nay hơn 30ha của khoảng 200 hộ dân thuộc cánh đồng Bàu Giữa – Gia Tròn đã phải bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, diện tích còn lại đang đối diện với nguy cơ hoang hoá.
 
Mô tả ảnh.
Cánh đồng Bàu Giữa - Gia Tròn với hơn 30 ha đất  trồng lúa của hơn 200 hộ dân bị bỏ hoang do nguồn nước ô nhiễm.

“Trước đây chưa có nhà máy, đất sản xuất 2 vụ lúa bình thường. Khi nhà máy hoạt động, nước bẩn, hôi không ai dám lội xuống cả, có đất nhưng không sản xuất được, thiệt hại đủ đường”, một người dân có đất tại cánh đồng Bàu Giữa cho biết.

Theo ông Trần Phước Đức, Đội trưởng Đội số 2 Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố Đà Nẵng), sau khi kiểm tra hiện trường, nước thải gây mùi thối là từ KCN Hòa Khánh xả ra theo đường số 4 và đường số 7 của KCN rồi xả thẳng ra ngoài nhưng chưa qua xử lý.

“Trước đó tại đây cũng xảy ra sự cố bục ống nước thải gây ô nhiễm. Chúng tôi đã kiểm tra, đề xuất và UBND thành phố đã có công văn giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện. Trước mắt chúng tôi kiểm tra, lấy mẫu làm xét nghiệm và làm việc với Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng - chủ đầu tư Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp Hoà Khánh giai đoạn 1 và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội khu vực miền Trung - đơn vị quản lý và khai thác Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Hòa Khánh để làm rõ trách nhiệm và để xác định thủ phạm xả nước ô nhiễm ra ngoài chưa qua xử lý để có hướng xử lý quyết liệt”, ông Đức nói.

Việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân do nước thải từ KCN Hòa Khánh xả ra chưa qua xử lý đã rõ. Thời gian tới các ngành chức năng cần có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm cũng như có biện pháp đền bù những thiệt hại cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
 
 Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.