.

Đà Nẵng - Thành phố môi trường

.

Đề án xây dựng “Thành phố môi trường” đã qua 3 năm thực hiện. Thành quả về xây dựng và bảo vệ môi trường của Đà Nẵng được tôn vinh. Mục tiêu đến năm 2020 đạt chuẩn về đô thị môi trường vẫn còn nhiều thách thức. Nhưng tư duy và ý chí của người Đà Nẵng vẫn là thực hiện thành công cuộc “Cách mạng môi trường” để biến Đà Nẵng thành thành phố đáng sống.

 

Mô tả ảnh.
Đường phố Đà Nẵng xanh và sạch.

 

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết: Tại Hội nghị nhóm công tác ASEAN về thành phố bền vững môi trường lần thứ 9 được tổ chức tại Yangon (Myanmar) vào tháng 5-2011, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất bình chọn 10 thành phố đạt giải thưởng bền vững môi trường, trong đó có Đà Nẵng của Việt Nam. Giải thưởng này được bình chọn 2 năm một lần theo 3 tiêu chí: Chỉ số không khí sạch, chỉ số đất xanh, sạch và chỉ số nước sạch. Theo bảng điểm, chỉ số không khí sạch Đà Nẵng đạt 300/360 điểm, xếp loại tốt. Chỉ số đất xanh, sạch Đà Nẵng đạt 260/320 điểm, xếp loại tốt. Chỉ số nước Đà Nẵng đạt 435/540 điểm, xếp loại tốt.

 

Trước mắt, thành phố thực hiện 12 nhiệm vụ ưu tiên để hỗ trợ ngành CNMT bao gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành CNMT; quy hoạch phát triển ngành dịch vụ môi trường; quy hoạch phát triển các dịch vụ sản xuất hàng hóa môi trường và tái tạo khôi phục môi trường; quy hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại; xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập Hiệp hội CNMT; thông tin truyền thông. Tổng kinh phí thực hiện gần 35 tỷ đồng
(Trích đề án Phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2020)

Tuy vậy, ông Nguyễn Điểu âu lo, công tác bảo vệ môi trường của Đà Nẵng còn nhiều thách thức. Đối với môi trường đất thì nâng cao nhận thức, phát huy hiệu quả đài hỏa táng, qua đây giảm địa táng để làm sạch đất. Vấn đề xử lý rác thải cũng nan giải, bởi rác thải, đặc biệt rác thải rắn có nguy cơ gây hại rất lớn. Chất thải rắn nguy hại từ các cơ sở công nghiệp cũng chưa được thu gom và xử lý đúng yêu cầu. Hằng ngày, thành phố thải ra khoảng 1.200 tấn rác, trong đó, rác thải sinh hoạt chiếm phần lớn.

 

Tỷ lệ rác thải thu gom mới đạt 86%. Điều đáng lo ngại nhất chính là việc giảm thiểu tại nguồn bao gồm phân loại, tái chế và tái sử dụng... chưa được quan tâm thực hiện rộng khắp. Với môi trường nước, hiện nguồn nước thải từ các KCN chưa được thu gom tốt, chưa đồng bộ như KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu... Về môi trường không khí, các nhà máy thải khí độc vẫn chưa được xử lý mạnh tay, rồi những dự án triển khai làm bụi trên các tuyến đường khiến người dân bức xúc.

Với mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và nhận thức được mối nguy hại hiện hữu đó là ô nhiễm công nghiệp, tháng 6-2011, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề ra “Xây dựng khung kế hoạch chiến lược quản lý ô nhiễm công nghiệp giai đoạn 2011-2020”. Cụ thể, đối với các KCN sẽ tập trung cải tạo và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, nước mưa; xây dựng và cải tạo các hệ thống xử lý nước thải; tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại; thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp... UBND thành phố cũng chủ trương khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch; xây dựng và phát triển các dự án theo cơ chế sạch; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

 

Đề án Xây dựng “Thành phố môi trường” có 41 dự án liên quan đến các vấn đề chính: Môi trường không khí (12 dự án), môi trường nước (10 dự án), môi trường đất (5 dự án) và quản lý tổng hợp môi trường đô thị (14 dự án). Tổng kinh phí thực hiện trên 6.057 tỷ đồng từ các nguồn: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ODA và huy động từ các tổ chức, cá nhân. Các dự án sẽ được triển khai liên tục từ năm 2008 - 2020 theo các giai đoạn nhất định. Trong đó, có 16 dự án được ưu tiên thực hiện từ năm 2008-2010. Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ bảo đảm được các tiêu chí “Thành phố môi trường” với việc 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt được xử lý, 70% chất rắn được tái chế, 25% lượng nước được tái sử dụng...
(Trích đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng thành “Thành phố môi trường”)

Vừa qua, khi kiểm tra thực hiện đề án “Thành phố môi trường” và giám sát việc đề cử xét thưởng “Đà Nẵng- thành phố môi trường bền vững ASEAN 2011”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Thế Ngọc cho rằng: “Việc Đà Nẵng xây dựng đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” là việc làm tạo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tạo dựng một hình ảnh tươi đẹp không chỉ riêng cho thành phố Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung và Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế. Đà Nẵng đang nỗ lực thiết lập các nhóm chỉ tiêu về đánh giá môi trường trong các quy hoạch phát triển; chú trọng tới quy hoạch phát triển cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng phát triển du lịch, các ngành công nghệ cao, sản xuất sạch, nông nghiệp sinh thái...”.

 

 Hành động để xây dựng “Thành phố môi trường” tại Đà Nẵng đang được nâng tầm khi mà ngày 1-11-2011, UBND thành phố ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến năm 2020”. “Ngành công nghiệp môi trường (CNMT) sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực và hiệu quả cho việc xây dựng “Thành phố môi trường”, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm CNMT, trung tâm khoa học-công nghệ môi trường lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết chia sẻ. Theo đó, CNMT Đà Nẵng được đầu tư và thu hút đầu tư để phát triển các nhóm ngành như dịch vụ môi trường; phát triển công nghệ và sản xuất hàng hóa môi trường; khôi phục và tái tạo tài nguyên, môi trường.

Hành động phát triển CNMT được xem là cú huých trong đầu tư phát triển bền vững ở Đà Nẵng. Nói là làm, đưa chủ trương chính sách đi vào cuộc sống; triệt tiêu những bàng quan, dửng dưng, cầm chừng hay nói nhiều mà làm ít. Nó làm cho nhiều người dân Đà Nẵng nhớ đến hình ảnh ông Nguyễn Quang Nga đanh thép, sắc sảo, không ít lần khiến các vị đứng đầu nhiều sở, ban, ngành, lãnh đạo các quận, huyện... vã mồ hôi trên diễn đàn của các kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Quang Nga, nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng, đại biểu HĐND thành phố suốt 3 nhiệm kỳ từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Người dân vẫn thích gọi ông là “ông Nga nông dân”, “ông Nga hội đồng”. Ông Nguyễn Quang Nga luôn là người đấu tranh trực diện về những hành vi vi phạm môi trường. Riêng HĐND thành phố khóa VII, ông đã có tới 70 chất vấn về nhiều lĩnh vực nhưng nhiều nhất vẫn là về tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông Nga bộc bạch: Làm đại biểu HĐND là phải có trách nhiệm, tâm huyết với dân, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát các cơ quan công quyền trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách. Đại biểu HĐND phải dũng cảm, biết nói và dám nói.

“Đà Nẵng đang xây dựng “Thành phố môi trường” và thực hiện chương trình phát triển bền vững. Muốn vậy, phải bảo vệ môi trường, chứ chỉ biết có tiền, chạy theo tăng trưởng GDP thì không thể gọi là phát triển bền vững được”, ông Nga nói.         

(Tiếp theo và hết)         

Phóng sự của Triệu Tùng

;
.
.
.
.
.