.

Đà Nẵng - Thành phố môi trường - Bài 1: Bảo vệ môi trường - ý thức của mỗi người

.

Thành phố Đà Nẵng vừa được trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”. Lễ trao thưởng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN tại Bali, Indonesia vào ngày 23-11-2011. Những thành tựu về xây dựng và bảo vệ môi trường của Đà Nẵng đang được tôn vinh và hình ảnh đô thị Đà Nẵng được quảng bá ra bạn bè quốc tế.

Mô tả ảnh.
Thành phố Đà Nẵng được vinh danh là thành phố môi trường bền vững ASEAN 2011. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Trung Chính, một cựu sĩ quan quân đội quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) đã chọn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn làm quê hương thứ hai. Tôi gặp ông hằng ngày. Ông nói: “Ở Đà Nẵng, tôi khao khát được sống, được tận hưởng thành quả của sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội mà lớp con cháu đang dựng xây”. Biết tôi là nhà báo, ông xem tôi như bầu bạn. Ông hốt hoảng khi hệ thống nước thải tại khu vực Sao Biển chảy ra bãi tắm. Ông vui khi nhặt nhạnh từng bẹ dừa khô ven đường trong buổi sớm mai. Ông kể, báo chí khen ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (tỉnh QN-ĐN) sáng sáng, chiều chiều nhặt từng cọng rác nhỏ bỏ vào thùng để cho bãi biển Phước Mỹ thêm sạch là tốt quá. “Già mẫu mực thì trẻ xông pha”, ông Chính nói thêm. Hiện ông Hồ Việt cũng đề xuất ý tưởng lập “Hội những người yêu biển Đà Nẵng” để bảo vệ môi trường bãi biển.

Bạn trẻ Lê Thị Trang, CLB Môi trường – Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong một chuyến tham gia bảo vệ môi trường biển khoe: “Đà Nẵng hiện nay có khoảng 10 CLB hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực môi trường. Các CLB luôn hành động kêu gọi bảo vệ môi trường, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu sâu hơn và tham gia tốt hơn vào việc tự giác bảo vệ, cải thiện môi trường sống của chính mình”.

Thông tin về thành phố Đà Nẵng được vinh danh “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN-2011” được người dân đón nhận với niềm tự hào. Nhớ lại, năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã chạm tới danh vị này nhưng ngay thời điểm nhận giải, Công ty CP Thép Thành Lợi lúc bấy giờ nhập về Cảng Tiên Sa trên 400 tấn thép phế liệu có chứa chất thải độc hại. Sự kiện này làm cho thành phố càng quyết tâm hơn trong việc quản lý và bảo vệ môi trường.

Anh Nguyễn Có, công nhân tại KCN Hòa Khánh cho biết, hiện môi trường ở KCN đã được cải thiện. Nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) đối với bảo vệ môi trường được nâng lên. Ví như Công ty CP Thép Đà Nẵng sau thời gian đứng trước nguy cơ bị đóng cửa do sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đến năm 2010, công ty đã chuyển thông điệp đến người lao động rằng “Bảo vệ môi trường hay là chết” bằng khẩu hiệu ngay trước công ty, nhà xưởng. Theo đó, công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành Hệ thống bảo vệ môi trường đặc dụng. Được biết, Công ty CP Thép Đà Nẵng có số vốn điều lệ ban đầu khi cổ phần hóa là 41 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm đã quay lại đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường hơn 30 tỷ đồng. Từ một điểm đen về ô nhiễm môi trường, cho đến thời điểm này, thông qua các số liệu quan trắc đo đạc của cơ quan chức năng, Công ty CP Thép Đà Nẵng có thể khẳng định đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất luyện thép gây ra.

Một câu chuyện khác làm người nghe hoài nghi nhưng đó là chuyện có thật. Ngày mùng 6 Tết Tân Mão 2011, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương dẫn đầu đến thăm một DN chế biến thủy sản trên địa bàn quận Sơn Trà. Vị giám đốc đưa đoàn đi thăm xưởng sản xuất và thăm hệ thống xử lý nước thải. Không ngần ngại, vị giám đốc vốc nước trong bể sau xử lý lên rửa mặt. Trên đường về, có người nghi ngại ông giám đốc đang diễn kịch nhưng cũng có ý kiến: “Diễn để làm gì? Đầu năm mới, Tết nhứt mà vốc nước bẩn lên mặt thì... không đáng để diễn đâu”.

Du khách tấm tắc khen Đà Nẵng nhiều không kể xiết. Nhiều người “mắt tròn, mắt dẹt” khi nghe kể về những chủ trương của thành phố như ngoài việc bảo vệ môi trường từ định hướng vĩ mô, Đà Nẵng còn hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp cụ thể và độc đáo. Chẳng hạn, nếu người nào phát hiện hành vi đổ rác không đúng nơi quy định sẽ được thưởng nóng 1 triệu đồng. Theo đó, tất cả các quận, phường phải lập đường dây nóng, cử lực lượng trực 24/24 giờ để nhận tin báo. Khi nhận tin, lập tức có mặt ở hiện trường lập biên bản xử lý. Đây được coi là liệu pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng đổ rác trộm, đồng thời kích thích người dân tham gia vào việc phát giác, ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Danh sách 10 thành phố bền vững về môi trường ASEAN 2011
(Thứ tự theo vần tên quốc gia-nguyên bản tiếng Anh)
1- National Housing Scheme Rimba (Brunei Darussalam)
2- Phnom Penh (Cambodia)
3- Surabaya (Indonesia)
4- Xamneau (Lao PDR)
5- Perbadanan Putrajaya (Malaysia)
6- Pyin Oo Lwin (Myanmar)
7- Puerto Princesa (Philippines)
8- South West CDC (Singapore)
9- Phuket (Thailand) 
10- Danang (Vietnam)

Có thời gian, tình trạng đổ xà bần, rác tràn lan trên các lô đất chưa xây dựng, lại thường vào ban đêm nên khó phát hiện. Nhưng từ khi có chính sách thưởng cho người báo tin, xử lý nặng, kiên quyết với các hành vi đổ rác trộm, tình trạng này gần như không còn. Sau khi chặn đứng việc đổ rác, thành phố tiến hành bước tiếp theo là xử lý các lô đất đã bị đổ rác, xà bần cho sạch sẽ để tránh ô nhiễm, dịch bệnh.

Thành phố đã triển khai cách làm rất hay được nhiều người đồng tình. Đó là bỏ tiền thuê người dọn sạch, sau đó cho thuê hoặc rào lại. Các chủ đất khi muốn bán hoặc sử dụng lô đất đó xây nhà phải trả lại tiền thành phố đã bỏ ra dọn rác. Hầu hết chủ nhân các lô đất này đều ở xa, mua để đầu cơ, ít có cơ hội chăm lo, vì thế khi được thành phố dọn dẹp, quản lý hộ thì rất đồng tình. Trong khi nhiều thành phố khác còn loay hoay chưa biết xử lý thế nào với đất bỏ hoang, thì với cách làm sáng tạo trên của thành phố Đà Nẵng vừa tránh được tình trạng lãng phí đất vàng do để không, lại vừa bảo vệ được môi trường trong lành.

Ở Đà Nẵng, ý thức tự giác trồng thêm cây xanh đường phố của người dân được ước tính chiếm 35-40% số lượng cây xanh trồng mới hằng năm. Nhiều gia đình tự bỏ tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng trồng cây xanh trước nhà để tạo cảnh quan, đẹp nhà, đẹp phố. 

Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hay như mới đây, ngày 16-8-2011, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã “vi hành” kiểm tra tình hình thực tế và trực tiếp chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang. Sự kiện này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang và sẽ kiên quyết trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho cộng đồng bằng những nỗ lực cao nhất, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống với sự phát triển bền vững về môi trường.

Trên nhiều diễn đàn hội nghị, hội thảo trong nước, mỗi lần nói về  vấn đề môi trường, người ta lại viện dẫn việc Đà Nẵng từ chối 2 “siêu” dự án FDI với tổng vốn 2,5 tỷ USD để minh chứng. Chưa địa phương nào ở Việt Nam “dũng cảm” như thế. Điều đó minh chứng Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng “Thành phố môi trường”, chú trọng phát triển bền vững chứ không chạy theo đầu tư bằng mọi cách. Ngay tại Diễn đàn Kiến trúc châu Á với sự tham gia của đại diện 16 quốc gia được tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, trong diễn văn phát biểu đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tự hào nói: Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là thành phố đang đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong phát triển đô thị theo hướng bền vững.

 

Giai đoạn 2008-2010, thành phố tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường nước tại các khu dân cư, xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà máy sắt thép, xi-măng, chế biến thủy sản. Đồng thời xử lý thu gom triệt để rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại. Hiện tại, trên 80% nước thải tại các khu công nghiệp đã được thu gom và xử lý, 90% nước thải tại các bãi rác đã được khống chế xử lý. Nước thải sinh hoạt chưa xử lý thải ra biển đến nay cũng được khống chế, ô nhiễm môi trường giảm 70% so với trước khi thực hiện đề án”.
(Ông Nguyễn Điểu- Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường)

 

 

(Còn nữa)

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.