(ĐNĐT) - Cho đến sáng nay, 9-11, nước lũ tại Quảng Nam và một số khu vực ở Hòa Vang, Đà Nẵng đang xuống nhưng rất chậm, nhiều địa phương của huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên (Quảng Nam) vẫn còn bị chia cắt do nước lũ vẫn còn trên mức báo động 2.
Một người đàn ông vượt lũ tại thôn Túy Loan Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng để mang thức ăn cho gia đình (Ảnh: Thanh Tuyền) |
Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, hiện mực nước lũ tại Đại Lộc vẫn còn trên mức báo động 2 khoảng 10cm. Nước hiện nay đang xuống nhưng rất chậm. Tuyến đường nối trung tâm huyện với vùng B đã đi được, riêng các xã vùng A vẫn còn bị chia cắt hoàn toàn.
Ông Thân Đức Sửu, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn cho biết, tuyến QL1A đoạn qua huyện Điện Bàn đã thông suốt. Tuy nhiên, toàn bộ các tuyến đường khác trên địa bàn huyện vẫn còn chìm ngập trong nước lũ, phần lớn các địa phương vẫn còn bị chia cắt do lũ, trong đó 3 xã Gò Nổi gồm Điện Trung, Điện Phong và Điện Quang vẫn còn ngập sâu trong lũ.
Tính đến sáng nay, huyện Điện Bàn có đến 9 người chết và mất tích trong lũ. Ngoài ra, khoảng 200ha rau màu vụ đông bị lũ làm hư hại. Riêng hệ thống giao thông, thủy lợi vẫn chưa xác định được do lũ vẫn còn ngập sâu.
Lũ đang xuống chậm Trưa nay, 9-11, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phát đi bản tin cuối cùng về đợt lũ lụt ở miền Trung. Trung tâm cho biết, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định đang xuống. Mực nước lúc 10h ngày 9-11 trên các sông như sau: Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 1,92m, dưới BĐ2: 0,28m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 3,30m, dưới BĐ2: 0,70m; sông Bồ tại Phú Ốc: 3,47m, trên BĐ2: 0,47m; sông Hương tại Kim Long: 2,26m, trên BĐ2: 0,26m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,12m, trên BĐ2: 0,12m; tại Cẩm Lệ: 1,65m, dưới BĐ2: 0,15m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,12m, trên BĐ2: 0,12m; tại Hội An: 1,74m, trên BĐ2: 0,24m. Dự báo đến tối nay, lũ trên phần lớn các sông từ Quảng Bình đến Bình Định có khả năng xuống mức BĐ1-BĐ2, riêng các sông ở Thừa Thiên Huế còn ở mức BĐ2 và trên BĐ2. Cụ thể tại một số sông như sau: Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 1,7m, trên BĐ1: 0,5m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 2,7m, trên BĐ1: 0,2m; sông Bồ tại Phú Ốc: 3,1m, trên BĐ2: 0,1m; sông Hương tại Kim Long: 2,0m, ở mức BĐ2; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,8m, dưới BĐ2: 0,2m, tại Cẩm Lệ: 1,0m, ở mức BĐ1; sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 2,6m, dưới BĐ2: 0,4m, tại Hội An: 1,3m, dưới BĐ2: 0,2m. |
Nhiều tàu thuyền gặp nạn trên biển
Trung tâm PCLB khu vực MT&TN cũng cho biết, nhiều tàu thuyền tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi gặp nạn trên biển và trên sông.
Tại Đà Nẵng đã xảy ra 3 trường hợp tai nạn làm chìm 3 tàu, đứt cáp trôi dạt 3 tàu. Cụ thể: Tàu kéo Xuân Chiểu 01 của ông Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1974, trú tại Ngũ Hành Sơn) bị chìm tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà (gần trạm BP Công trình 15); tàu cá ĐNa 40135 của ông Nguyễn Lộc (SN 1965, trú tổ 16A, Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) bị chìm tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà (gần trạm BP Công trình 15), hiện chủ tàu đã trục vớt; tàu cá ĐNa 0172, hoạt động nghề hút cát, của ông Võ Văn Trung (SN 1973, trú tổ 48, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bị chìm tại khu vực thi công cầu Rồng; tàu cá ĐNa 0653, hoạt động nghề hút cát, của ông Võ Văn Quân (SN 1976, trú tổ 48, Khuê trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bị trôi dạt tại khu vực thi công cầu Rồng. Ngoài ra, có 2 tàu cá BĐ 90590 và BĐ 96291 của tỉnh Bình Định đứt cáp neo trôi trên sông Hàn.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 1 tàu, 1 ca nô/10 cán bộ chiến sĩ và trưng dụng 1 tàu kéo đang thi công cầu Rồng cứu kéo được tàu ĐNa 0653, BĐ 90590 và BĐ 96291 an toàn.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi có 2 tàu gặp nạn làm 1 người chết. Lúc 8 giờ ngày 8-11, tàu QNg 94942 TS của ông Võ Hữu Đức (SN 1960, trú xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), hành nghề giã cào bị hỏng máy, phá nước và chìm tại toạ độ 17,06’N - 108,24’E. Trong khi khắc phục sự cố tại cabin, thuyền viên Võ Hữu Hoà (SN 1975, trú xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) đã bị chết do ngạt nước. Tàu QNg 94372 TS của ông Võ Tin, cùng quê đã đưa 8 lao động và thi thể ông Võ Hữu Hoà về Đà Nẵng.
Trước đó, vào lúc 4 giờ ngày 8-11, tàu QNg 98225 TS của ông Võ Công Tính (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), hành nghề lưới kéo, trên tàu có 3 lao động, trên đường chạy vào Đà Nẵng đã bị chìm tại toạ độ 16025’N - 108030’E. Tất cả lao động đã được tàu QNg 44229 TS, của ông Phan Văn Công cứu vớt đưa vào bờ an toàn.
Nhiều hồ chứa nước vẫn tiếp tục xả lũ
Mặc dù mưa đã ngớt, lũ đã rút nhưng một số hồ chứa nước thủy lợi, hồ thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ. Trong đó, các hồ chứa thủy điện như Bình Điền, Hương Điền (T.T.Huế); A Vương, Sông Tranh 2 (Quảng Nam); Sông Ba Hạ (Phú Yên); Ya Ly, Plei Krông (Kon Tum); Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai); Buôn Kốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpôk 3 (Đăk Lăk) vẫn tiếp tục xả lũ nhưng ở lưu lượng thấp hơn.
Hồ Đồng Nghệ (Đà Nẵng) đang xả lũ. Ảnh: Thanh Tuyền |
Về hồ chứa thủy lợi, các hồ đã đầy, gần đầy và đang xả lũ điều tiết, như hồ Cẩm Ly, An Mã, Tiên Lang, Vực Tròn, Vực Nồi (Quảng Bình); Trúc Kinh, Ái Tử, La Ngà, Nghĩa Hy, thủy điện Quảng Trị (Quảng Trị); Truồi, Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Thái Xuân, Khe Tân, Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phước Hà, Đông Tiễn, Hố Giang, Cao Ngạn (Quảng Nam); Diên Trường, Liệt Sơn (Quảng Ngãi), Hội Sơn (Bình Định), Ayun Hạ, Biển Hồ, Hoàng Ân, Ia Ring (Gia Lai); Đăk Yên, Đăk Uy, Đăk Loh (Kon Tum); Buôn Yong, Ea Kao, Ea Súp Thượng (Đăk Lăk).
24 người chết và mất tích Trung tâm Phòng chống Lụt bão Khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết, đã có 24 người chết và mất tích do mưa lũ trong những ngày qua ở các tỉnh miền Trung, tính đến sáng 9-11. |
Nhóm PV ĐNĐT