(ĐNĐT) - Tính đến tối 8-11, đợt mưa lũ đang xảy ra ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã làm chết 20 người, hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập.
Quốc lộ14B đoạn qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị ngập nước. Thanh Tuyền |
Quảng Nam: 18 người chết và mất tích
Chiều tối 8-11, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến cuối ngày 8-11, toàn tỉnh Quảng Nam có 17 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ; riêng ngày 8-11 có 6 người chết và mất tích do lũ.
Nạn nhân còn mất tích là cháu Trần Tiến (SN 1998, trú xã Điện Phương, huyện Điện Bàn), bị lũ cuốn mất tích vào khoảng 8 giờ 30 ngày 8-11.
Lũ đã gây ngập nước 76 xã, phường với 73.000 nhà dân, chủ yếu tập trung tại huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, TP Hội An, trong đó có khoảng 55.700 hộ bị ngập sâu từ 0,5 mét trở lên. Lũ cũng làm sập đổ, hư hỏng 31 nhà dân.
Ngoài ra, tại huyện Tây Giang, tại khu tái định cư A Lua bị sạt lở đất gây sập đổ hoàn toàn nhà ở nội trú của học sinh của xã Dang, 1 trụ Ăng ten điện năng lượng mặt trời bị hư hỏng. Hiện tại 148 em học sinh đang phải ở nhà dân và tại trường.
Mưa lũ cũng làm sạt lở núi gây đứt tuyến đường dây 35kV, toàn bộ huyện Nam Trà My bị mất điện, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Do nước lụt dâng cao, nhiều xã thuộc huyện Điện Bàn, Nông Sơn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Đại Lộc bị mất điện do sa thải phụ tải.
Về giao thông, mưa lũ đã làm đường Hồ Chí Minh tại đèo Lò Xo đi qua địa phận huyện Phước Sơn, huyện Tây Giang, Đông Giang có nhiều điểm bị sạt lở lớn với khối lượng hàng nghìn m3 đất đá gây ách tắc giao thông; QL1A bị ngập lụt nhiều vị trí trên địa phận huyện Điện Bàn, Duy Xuyên gây gián đoạn giao thông từ tối ngày 7-11 đến sáng ngày 8-11; các tuyến ĐT 604, ĐT608, ĐT609, ĐT609B, ĐT610B, ĐT611 có nhiều đoạn bị ngập sâu trên 1,5 mét, gây gián đoạn giao thông.
Nước lũ cũng làm hư hỏng khoảng 656ha lúa gieo, 2.520ha rau màu các loại; bồi lấp 94ha ruộng; lúa đã thu hoạch vào nhà bị ướt và hư hỏng khoảng 300 tấn; 5ha ao cá tại Đông Giang bị vỡ do lũ cuốn trôi.
Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ này gây ra ước tính khoảng 50 tỷ đồng.
Đà Nẵng: Hơn 10.000 hộ dân bị ngập
Tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, chính quyền huyện và các xã đã chỉ đạo di dời hơn 3.856 hộ dân tránh lũ trong tổng số 8.140 hộ bị ngập.
Hầu hết các thôn tại Hòa Liên bị ngập lụt. Ảnh: Đắc Mạnh |
Trường học ở Hòa Phong bị ngập, học sinh phải nghỉ học. Ảnh: Đắc Mạnh |
Trên địa bàn huyện có 21 trường học bị ngập nước, đa số là các trường mầm non ở khu vực vùng thấp. Trong đó xã Hòa Phước bị nặng nhất (ngập 1 trường THCS Nguyễn Văn Linh; 2 trường tiểu học và 5 trường mầm non). Một số đoạn đường bị sạt lở nặng như: tràn qua thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh bị trôi khoảng 50 mét.
Các xã Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Liên và Hòa Bắc, tất cả các thôn bị ngập hoàn toàn, hầu hết các tuyến đường liên thôn bị ngập và bị chia cắt. Các thôn còn lại bị ngập cục bộ. Các thôn: Hòa Hải, Đông Lâm, An Châu, Hội Phước, Phú Túc, Hòa Thọ, Hòa Phước (Hòa Phú) xảy ra lũ quét. Tại xã Hòa Sơn, đoạn đường đèo Đại La bị sạt lở; Cầu Đại La bị gãy; và có 2 nhà dân bị sạt lở do sạt lở cầu Xuân Phú.
Theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, tình hình ngập úng cũng xảy ra trên diện rộng làm khoảng 2.270 hộ/8.187 khẩu bị ngập úng, hiện đã di dời 200 hộ/657 khẩu đến trú tại nơi an toàn.
Thiệt hại ban đầu, có 3 nhà bị nghiêng, sập; 3 nhà bị tốc mái, không có thiệt hại về người, về tài sản của một số hộ dân bị ngập úng hư hỏng nhẹ.
Tính đến tối 8-11, thành phố Đà Nẵng đã có 3 người chết và 1 người bị thương do lũ. Ngoài hai người bị nước lũ cuốn chết hôm 4 và 5-11, ngày 8-11 có thêm một người thiệt mạng khi đang dọn lũ.
Xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là một trong những xã bị lũ lụt nặng. Thanh Tuyền |
Vào khoảng 11 giờ 30 ngày 8-11, ông Đặng Tánh (SN 1964, trú thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang dọn lụt thì bị sẩy chân chết.
Ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, vào thời điểm trên, ông Tánh thấy nước lụt có vẻ xuống nên dọn dẹp đồ đạc nhưng không may bị sẩy chân chết đuối phía sau nhà. Trưa cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang và lãnh đạo xã Hòa Khương đã đi thăm và hỗ trợ cho gia đình anh Tánh 2 triệu đồng để tổ chức ma chay. Được biết, anh Tánh có vợ và 3 con, là con liệt sĩ và là hộ khó khăn của xã Hòa Khương.
Một người bị thương là chị Võ Thị Mai (trú xã Hòa Ninh) bị trụ điện ngã đổ gây tai nạn, hiện nay đang cấp cứu ở bệnh viện.
Hơn 10 nhà dân đứng trước nguy cơ sạt lở
Ngày 8-11, ông Thân Đức Minh, cán bộ văn phòng UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, trận mưa kéo dài suốt cả ngày 7-11 đã làm cho gần 50m đường bê-tông ở tổ 35 phường Hòa Hiệp Bắc bị sụt lún nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn của 12 hộ dân trong khu vực.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, trong đêm 7-11, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã huy động gần 50 người gồm cán bộ, sinh viên và người dân dùng bao tải cát, đá để ngăn nước cống trong khu vực, hạn chế tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra.
Sáng ngày 8-11, có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận, nhiều đoạn đường bê-tông ở khu vực tổ 35 đã bị nước cống làm xói lở nghiêm trọng, có nơi từng mảng bê-tông bị đổ sập. Những hộ dân sống ở khu vực này đang nơm nớp lo sợ, nếu trời tiếp tục mưa lớn, tình trạng xói lở tiếp tục xảy ra sẽ uy hiếp đến sự an toàn nhà cửa.
Đắc Mạnh - Thanh Tuyền - Ngọc Đoan