.

Rác thải nông thôn

.
Vào nội thành Đà Nẵng, ai nấy đều khen đường phố sạch và thoáng. Thế nhưng về vùng nông thôn, rác tràn lan trên nhiều nẻo đường.

Mô tả ảnh.
Rác ngập ngụa trên nhiều tuyến đường ở vùng nông thôn.
 
Đi đâu cũng thấy rác...

Mỗi ngày tại các vùng nông thôn thải ra một lượng rác sinh hoạt khá lớn. Mặc dù đất rộng nhưng lại không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác, do vậy mỗi gia đình phải tự xử lý rác thải theo cách của mình. Dạo quanh một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang như Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh…, dễ thấy nào là túi ni-lông, chai lọ, giẻ rách… đang trôi nổi ở những kênh, ngòi, ở những nẻo đường, thôn xóm.
 
Tuyến đường liên xã Hòa Sơn - Hòa Liên dài hơn 2km, nhưng hễ ai đi qua đây đều nhìn thấy rác tồn đọng ở nhiều khu vực trên đường. Chị Nguyễn Thị Hiên, thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên cho biết: Kể từ khi thực hiện mô hình “bỏ rác vào thùng” dường như tuyến đường này xuất hiện nhiều rác hơn. Ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân nơi đây còn kém. Thùng rác đã có nhưng người dân lại vứt rác bừa bãi khắp nơi, một số gia đình ở gần sông, hồ hoặc các mương nước thì vứt rác xuống đó, không hề quan tâm đến hậu quả lâu dài.

Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết: Tình trạng vứt rác bừa bãi của một bộ phận người dân nông thôn không chỉ làm ảnh hưởng đến cảnh quan mà còn tác động xấu đến môi trường sống của những vùng quê yên bình. Các dòng nước sông, ngòi, kênh, mương bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển, làm cho nguồn nước ngọt dần khan hiếm. Cũng theo ông Thu, hiện cả xã có 13 thôn thì mới triển khai thu gom rác được hơn 5 thôn, còn lại do người dân tự xử lý.
 
Việc đặt thùng rác, thu gom rác ở các thôn được thực hiện vài năm nay nhưng đã nảy sinh nhiều bất cập như khi thu lệ phí rác thì hộ đóng, hộ không nên xã không có đủ kinh phí để thuê Xí nghiệp Môi trường vận chuyển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một số xã của huyện Hòa Vang, vì không có hướng dẫn, quy định cụ thể về xử lý rác thải của chính quyền, do vậy rác thải nhà nào, nhà nấy tự xử lý. Và cách xử lý phổ biến là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp xóm. Mỗi ngày tích tụ một ít cho đến khi số rác thải đó bốc mùi thì mới được chính quyền chú ý.
 
Lời giải nào?

Hiện rất ít vùng nông thôn có thể tự xây dựng được bãi rác tập trung để đơn vị môi trường vận chuyển. Nhiều xã đã đưa nội dung giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhưng hình như khi xét duyệt thì lại quên mất tiêu chí này. Vả lại, khi người dân đi đổ rác bừa bãi, nếu bắt gặp cán bộ chính quyền cũng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở chứ không thể phạt được.

Ông Lê Đỡ, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, cùng với việc tổ chức tốt mô hình thu gom vận chuyển và xử lý chất thải khu vực nội thành, đơn vị đã tham mưu, hỗ trợ nhiều mặt để đẩy nhanh tiến độ xử lý rác thải sinh hoạt khu vực ngoại thành và các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đến nay, ở một số xã của huyện Hòa Vang đều đã tự tổ chức các đội, tổ vệ sinh môi trường. Nhờ đó, môi trường nông thôn đã được cải thiện, tình hình ô nhiễm không còn bức xúc như trước nữa. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là do thiếu phương tiện và thùng rác nên việc thu gom còn hạn chế. Hơn nữa ý thức của người dân chưa cao nên vẫn xảy ra tình trạng “bạ đâu xả rác đó”.
 
Cũng theo ông Đỡ, để giải bài toán xử lý rác thải ở nông thôn, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng sớm đầu tư kinh phí, tổ chức hệ thống thu gom rác và hệ thống cán bộ chuyên trách hoặc nhân viên môi trường ở nông thôn nhằm hướng dẫn, tổ chức cho bà con xử lý rác thải. Làm như vậy chẳng những góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới mà còn xây dựng một môi trường trong lành cho người dân.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH
;
.
.
.
.
.