.

Sử dụng túi ni-lông tự hoại, bao giờ?

.

Tại Đà Nẵng, chỉ riêng ở các chợ lớn nhỏ mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 2 tấn rác, trong đó hàng nghìn kilôgam bao ni-lông các loại. Đây là yếu tố ảnh hưởng xấu đến môi trường, thế nhưng việc kêu gọi mọi người sử dụng bao ni-lông tự hoại hoặc các bao bì khác thân thiện với môi trường gần như vẫn dậm chân tại chỗ.

 

Mô tả ảnh.
Sử dụng bao ni-lông vẫn phổ biến ở các chợ.

 

Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn cho rằng đây là vấn đề đáng báo động, bởi theo ông tính chỉ riêng hệ thống chợ, lượng rác thải ra môi trường đã hơn 2 tấn mỗi ngày. Đơn cử như ở chợ Hàn, với 600 hộ kinh doanh cố định và 200 hộ kinh doanh không cố định, trung bình mỗi hộ mỗi ngày sử dụng 3 lạng bao ni-lông các loại, thì cả chợ mỗi ngày sẽ thải ra 180kg bao ni-lông. Còn chợ Cồn với khoảng 1.800 hộ kinh doanh cố định và không cố định, mỗi ngày cũng thải ra gần 550kg bao ni-lông các loại. Nếu tính hết các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn thì lượng bao ni-lông thải ra môi trường cực kỳ lớn, thế nhưng giải quyết chuyện này thì lâu nay mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền suông là không hiệu quả.

Là người phụ trách trực tiếp công tác môi trường tại chợ Hàn, bà Lê Thị Hoa, Phó Ban Quản lý chợ Hàn cho biết thêm, việc vận động mọi người sử dụng bao ni-lông tự hoại hoặc các loại bao bì khác thân thiện với môi trường gặp đủ thứ khó khăn. Ngay tại chợ Hàn đã 2 lần tổ chức tuyên truyền các hộ kinh doanh hạn chế sử dụng bao ni-lông, thế nhưng chỉ nói suông chứ có bao ni-lông tự hoại nào đâu cho bà con sử dụng. Vừa rồi vào ngày 19-7, Công ty Cường Minh Tuấn có đến chợ Hàn tổ chức tuyên truyền việc sử dụng bao ni-lông tự hoại, thế nhưng chính đơn vị này cũng không có sản phẩm để giới thiệu với bà con (?).

Thậm chí ngay như vấn đề giá của bao ni-lông tự hoại - một yếu tố quan trọng nhất để người tiêu dùng chấp nhận thay đổi việc sử dụng bao ni- lông thông thường sang bao ni-lông tự hoại thì Công ty Cường Minh Tuấn cũng chưa thể trả lời được. Đặc biệt, việc Công ty Cường Minh Tuấn cho biết sẽ chọn tại chợ Hàn một hộ kinh doanh độc quyền để phân phối lại cho các hộ khác và kèm theo điều kiện nộp tiền “ký quỹ” cho công ty là 50 triệu đồng, theo bà Hoa nhận xét, đây là điều không thực tế, vì vậy việc triển khai vô cùng khó.

Xung quanh vấn đề sử dụng bao ni-lông tự hoại, chị L. T. K, một hộ kinh doanh bao ni-lông lớn ở chợ Đống Đa cho biết: “Lâu nay chỉ toàn nghe nói, chứ có thấy ai đến giới thiệu với bà con tiểu thương đâu. Chỉ mới đây, thông qua một người quen tại TP. Hồ Chí Minh, tôi mới biết được giá của bao ni-lông tự hoại này khoảng gấp đôi so với bao ni-lông thông thường, như vậy rất khó được bà con chấp nhận”. Theo “hiến kế” của chị K. thì trong lúc chờ có bao ni-lông tự hoại với giá cả được người tiêu dùng chấp nhận, chúng ta có thể thực hiện phân loại rác thải ngay tại chợ để giúp cho việc thu gom và xử lý dễ dàng hơn. Thế nhưng hiện nay chưa có chợ nào làm việc này cả.

Điểm sáng của việc vận động người tiêu dùng sử dụng bao bì thân thiện môi trường là các siêu thị trên địa bàn thành phố như Co.op Mart, Big C, Metro... tuy nhiên, các đơn vị này cũng chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền bằng khẩu hiệu kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng bao ni-lông và nên sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Và đi kèm theo tuyên truyền này thì các siêu thị tổ chức bán bao bì sử dụng nhiều lần cho khách hàng. Theo lãnh đạo Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng, đây là vấn đề lãnh đạo đơn vị rất quan tâm, tuy nhiên mới chỉ làm được việc mỗi năm tổ chức 1-2 chiến dịch kêu gọi người dân sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, và kèm theo đó, đơn vị tặng bao bì sử dụng nhiều lần cho khách hàng.

Muốn thay đổi việc sử dụng bao ni-lông, điều kiện tiên quyết là phải có bao bì khác thân thiện với môi trường thay thế, tuy vậy cho đến nay, bao ni-lông tự hoại vẫn chưa xuất hiện tại Đà Nẵng. Xem ra việc thay đổi mới chỉ dừng lại ở... khẩu hiệu.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.