.

Tập trung khắc phục mưa lũ

.
Tính đến ngày 9-11, toàn quận Ngũ Hành Sơn có 1.488 hộ bị ngập lụt với 4.875 nhân khẩu; hơn 40ha hoa màu vụ đông, 2ha diện tích nuôi cá nước ngọt bị thiệt hại, sạt lở 5km kênh mương thủy lợi… Không có thiệt hại về người và tài sản.

Mô tả ảnh.
Bộ đội Vùng 3 Hải quân giúp nhân dân Hòa Vang khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: DUY KHANH
 
Ngay sau khi nước bắt đầu rút, các ngành chức năng ở quận Ngũ Hành Sơn đã tập trung giúp dân dọn vệ sinh môi trường, khắc phục các công trình đã bị hư hại. Tại những vùng còn ngập nước như: K20, Mỹ Thị, Sơn Thủy, Mân Quang, Đông Trà, An Lưu, Thị An, Khuê Đông, Đông Hải… chính quyền các cấp đã huy động nhiều lực lượng để giúp dân dọn dẹp nhà cửa, nạo vét bùn đất… Ông Nguyễn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn, đặc biệt các em ở vùng cô lập chưa thể đến trường. Phường đã chỉ đạo các đội xung kích, dân phòng, Trạm Y tế xuống các khu dân cư dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc khử độc, tiêu trùng. Đồng thời lãnh đạo phường làm việc với Điện lực, yêu cầu đóng nối điện cho các vùng bị cắt điện.

Ông Nguyễn Sang ở khu dân cư Mân Quang 1 cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các điểm cô lập đang bị cắt điện nên việc bơm nước để dọn rửa không thể thực hiện được. Do vậy, mọi công việc dọn dẹp vệ sinh phải lấy nước từ xa đến, hoặc lấy từ các vũng nước còn đọng lại sau lũ.

Ông Nguyễn Định Sương, Phó Phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn cho biết: Trong mấy ngày qua, quận đã điều động 2 ca-nô, 10 thuyền thúng, 12 thành viên đội cứu hộ cứu nạn cùng 40 chiến sĩ của cơ quan Quận đội và Đồn Biên phòng 256 đến các địa bàn xung yếu giúp dân di chuyển lên khu vực cao. Sau lụt, quận chỉ đạo nước rút đến đâu vận động chính quyền và nhân dân địa phương dọn dẹp vệ sinh đến đó, để lực lượng chức năng phun hóa chất xử lý môi trường, xử lý các giếng nước bị ngập lụt, bảo đảm có nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân sử dụng và hạn chế dịch bệnh sau lũ lụt. Đồng thời quản lý chặt giá thực phẩm cũng như tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến thức ăn, thức ăn sẵn; lấy mẫu xét nghiệm đối với rau sống, mắm, thịt gia súc, gia cầm, thủy-hải sản để phát hiện và xử lý kịp thời, phòng ngừa dịch bệnh.  (Thành Lân)

* Số liệu từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện Hòa Vang cho hay, 8.140 hộ tại 97 thôn của tất cả 11 xã bị ngập, trong đó 3.856 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện có 1 người thiệt mạng là ông Đặng Văn Tánh (1964), trú xã Hòa Khương và một người ở xã Hòa Ninh bị thương.

Sáng 9-11, khá nhiều khu vực ở Hòa Vang nước vẫn mênh mông, trong đó nghiêm trọng nhất là xã Hòa Tiến. Đường ADB 5 từ Hòa Tiến đi Hòa Phong cắt qua cánh đồng, trở thành con đê chắn ngang vùng lũ. Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, lúc lũ dâng cao nhất có khoảng 2.500 hộ ở 7/11 thôn của xã  bị ngập, 4 thôn còn lại bị ngập chừng 30-50 %. Nơi bị ngập sâu nhất khoảng 1,5m. Trước đây mỗi khi lũ về, nơi nào cũng ngập và đều rút nhanh như nhau. Còn hiện nay, phía trên đường ADB5 nước vẫn mênh mông và còn khoảng 1.000 hộ tại các thôn La Bông, An Trạch, Lệ Sơn 2, Nam Sơn, Lệ Sơn 1 vẫn đang ngập. Các thôn này hiện vẫn bị cô lập hoàn toàn.

Khóm nhà của bà Nguyễn Thị Sai, ông Phạm Cường, Nguyễn Tài, Nguyễn Lạc… ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến, cách đường ADB5 chừng trăm mét về phía thượng lưu sáng 9-11 nước vẫn đang ngập hơn nửa mét. Không vào được tận nhà, chỉ đứng từ xa, chúng tôi hỏi thăm và được họ cho biết trú trên gác không nấu nướng gì được, mấy ngày nay chỉ ăn mì tôm. Chỉ mong nước rút nhanh còn ra chợ mua thực phẩm, nước uống. Ông Nguyễn Trọng Thu cho biết lũ về nhanh quá, trở tay không kịp. May mà vùng này nhà ai cũng có gác tránh lũ, còn phía trên đường chưa biết đến bao giờ lũ rút. Cống qua đường thiết kế nhỏ quá.

Xã Hòa Phong có 3.771 ngôi nhà tại cả 15 thôn bị ngập, trong đó các thôn Thạch Bồ, Cẩm Toại Đông, Bồ Bản 2, An Tân, Dương Lâm 2, Túy Loan 1, 2 bị ngập nặng nhất, có nhà chìm trong nước 1,6m. Đến sáng 9-11, còn khoảng 300 hộ tại các thôn ven sông gồm Thạch Bồ, Cẩm Toại Đông và Bồ Bản 2 vẫn bị ngập khoảng nửa mét. Ông Lâm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, trong ngày 9-11 lũ rút hết, nhà nào cũng phủ lớp bùn non. UBND xã đã triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ. 

Lũ rút, cũng là lúc bà con thôn Phú Hòa 1, 2, Thạch Nham Tây, Phước Thái… của xã Hòa Nhơn tập trung khắc phục hậu quả. Các trường học cũng tích cực vệ sinh trường lớp để ngày 10-11 trở lại học tập bình thường.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Đinh Văn Thống cho biết, đợt lũ này có 1.459 hộ bị ngập. Lũ lên nhanh và cũng rút nhanh. Địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả. Khó khăn nhất hiện nay là toàn bộ giếng nước trên địa bàn bị ngập lũ, trong khi nước giếng là nguồn duy nhất đáp ứng cho đời sống hằng ngày của người dân.        

Đợt lũ này cũng gây hư hỏng nghiêm trọng hệ thống giao thông, trong đó đường ADB5 từ xã Hòa Tiến đi xã Hòa Phong bị nặng nhất. Phía ta-luy âm đường này bị xói lở từng đoạn dài, có chỗ sâu vào nền đường 2 - 3m. Sáng 9-11, Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng đã chăng dây tại các điểm sạt lở cảnh báo người đi đường. Tại xã Hòa Ninh, tuyến đường liên thôn bằng bê-tông ở thôn Đông Sơn bị cắt đứt hoàn toàn một đoạn dài hơn 50m.

Trao đổi về tình hình lũ và công tác khắc phục hậu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cho biết, công tác chuẩn bị đối phó theo phương châm “4 tại chỗ” khá chu đáo, nên không quá bất ngờ với lũ. Người dân đã chủ động đối phó lũ rất hiệu quả. Nhờ vậy hạn chế được thiệt hại. Các cơ quan chuyên môn đã về từng xã khảo sát đánh giá cụ thể thiệt hại, phối hợp với địa phương triển khai công tác khắc phục, trong đó ưu tiên nhất là xử lý môi trường, không để dịch bệnh xảy ra, dựng các biển báo tại những điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, xử lý nước giếng… (Nguyễn Cầu)  

* Ngày 9-11, Bộ Tư lệnhVùng 3 Hải quân đã huy động hơn 150 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 355 và Kho K718 đóng quân trên địa bàn cùng với các phương tiện có mặt tại Trường tiểu học Lâm Quang Thự (Hòa Vang) để nạo vét hơn 1.000m2 bùn đất tràn vào các lớp học và khuôn viên của trường. Cán bộ, chiến sĩ đã dùng máy bơm nước rửa sạch toàn bộ bàn ghế, trang thiết bị phòng học để các em học sinh sớm trở lại trường. Tại thôn La Châu, 100 cán bộ, chiến sĩ cùng cán bộ, đoàn viên thanh niên của xã Hòa Khương không quản mưa gió, nạo vét bùn đất, thu dọn cây cối, mở thông toàn bộ tuyến đường liên thôn và dọn dẹp vệ sinh, xử lý ô nhiễm môi trường cho các gia đình bị ngập sâu trong nước. Trong những ngày tới, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tiếp tục điều động cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện giúp đỡ nhân dân, các trường học trên địa bàn Hòa Vang khắc phục hậu quả nặng nề sau mưa lũ, sớm ổn định đời sống. (Duy Khanh- Văn Hanh)

* Tại địa bàn quận Sơn Trà,  các khu dân cư mới không bị ngập đáng kể do mưa lớn trong mấy ngày qua. Chỉ có tổ 12 phường Mân Thái bị ngập cục bộ nặng nhất. Các phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ đã kịp thời về neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang và các bãi an toàn. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, vào ngày 7-11, tại khu vực Bãi Nam núi Sơn Trà có 2 tàu đã neo đậu bị chìm, gồm tàu kéo Xuân Chiểu 01 của ông Nguyễn Văn Quỳnh, trú tại Ngũ Hành Sơn và tàu cá ĐNa 40135 của ông Nguyễn Lộc, trú tổ 16A phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Các tàu đã được trục vớt và không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, nông dân bị thiệt hại nhiều nhất với 70% (hơn 4ha) diện tích rau trồng trên địa bàn phường Phước Mỹ bị ngập úng dập nát và hư hỏng, phân bón bị nước cuốn trôi. Gần 1ha hoa phục vụ Tết vừa xuống giống cũng bị thiệt hại hoàn toàn. Ngay sau khi nước rút, sáng 9-11, nhiều nông dân đã tiến hành làm lại đất để trồng rau và hoa. Ông Phạm Văn Ký, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Phước Trường, phường Phước Mỹ cho biết, trong nửa tháng tới, nông dân sẽ không có rau và hoa cung cấp cho thị trường. Cùng ngày, UBND quận Sơn Trà đã tổ chức phát giống hoa hỗ trợ cho các Chi hội Nông dân để kịp sản xuất cho vụ đông xuân. (Thu Phương)

* Mưa lớn đã tràn vào một số phân xưởng của một số doanh nghiệp thuộc khu vực các tuyến đường số 9 và số 4 KCN Hòa Khánh nhưng không gây thiệt hại về người và tài sản. Ông Nguyễn Chánh, Giám đốc Công ty CP Dệt Hòa Khánh cho biết, để bảo đảm an toàn cho công nhân, doanh nghiệp đã chủ động ngừng sản xuất một ngày để công nhân dọn dẹp nhà riêng và an toàn khi đi làm. Một số doanh nghiệp khác cũng chủ động ngừng sản xuất từ một buổi đến một ngày để bảo đảm an toàn cho công nhân. Tại KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu  sáng 9-11, nước trên các tuyến đường trong KCN đã rút, hầu hết công nhân đã đi làm việc, một số công nhân ở Hòa Vang, Đại Lộc bị kẹt do lũ không đến được.

Theo Sở Công thương, toàn bộ vật tư, nhu yếu phẩm dự trữ cho việc ứng cứu chưa sử dụng đến. Tuy nhiên, Sở Công thương đã chỉ đạo cho các đơn vị nắm vững diễn biến của thị trường, sẵn sàng can thiệp khi có biến động về giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, phục vụ đời sống nhân dân.

Do nước ngập nhanh ở các khu vực thuộc huyện Hòa Vang, nhất là các xã Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Nhơn, Hòa Phú…, Điện lực Đà Nẵng đã chủ động cắt hệ thống hạ áp, nhưng vẫn duy trì hệ thống cao áp, đồng thời kiểm tra độ an toàn, mức độ thiệt hại ở các khu vực và đóng điện, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Điện lực Đà Nẵng đang khẩn trương khắc phục sự cố, quyết tâm nước rút đến đâu, đóng điện đến đấy. Ông Hoàng Đăng Nam, Trưởng phòng Điều độ cho biết, đến cuối ngày 9-11, hơn 90% hộ trên toàn thành phố có điện sinh hoạt. (Đức Thịnh)

* Ngay sau khi nước rút, hàng trăm hộ dân trên địa bàn quận Liên Chiểu khẩn trương khắc phục hậu quả. Tại một số vùng ngập nặng, người dân đã trở về nhà dọn vệ sinh nhà cửa để ổn định đời sống. Tổ 31 (Hòa Minh); các tổ 3, 10, 11, 14, 16, 21, 22, 31 (Hòa Khánh Nam); tổ 14, 37, 38, 39, 40, 46, 47, 48, 55, 61 (Hòa Khánh Bắc) nước vẫn còn đọng lại trong nhà. Theo phản ảnh của người dân, khó khăn hiện nay là thiếu nước sạch cho sinh hoạt, nhiều gia đình không có nước máy buộc phải dùng nước giếng nhưng bị ô nhiễm do rác thải chảy tràn vào. Khu vực nhà ở ẩm thấp, rác thải trôi dạt là điều kiện để muỗi phát sinh, nguy cơ sốt xuất huyết rất lớn, chân tay bị lở ngứa do lội trong nước bẩn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mưa lớn cũng làm nhiều đoạn kè ở các tuyến kênh trên địa bàn quận Liên Chiểu bị sạt lở nghiệm trọng, đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của người dân. Tại con kênh  trên tuyến đường Tân Trào thuộc phường Hòa Minh bị sạt lở dài gần 10 mét và ăn sâu vào đường gần 0,5 mét. Còn tại tổ 35 (Hòa Hiệp Bắc), gần 50m đường bê-tông bị sụt lún nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, đến thời điểm này đã có 3 nhà bị nghiêng, sập; 3 nhà bị tốc mái, không có thiệt hại về người...

Đến trưa 9-11, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn quận Hải Châu nước rút gần hết, người dân đã dọn dẹp nhà cửa. Lực lượng thanh niên xung kích túc trực trên các tuyến đường thường bị ngập để mở các nắp cống thoát nước, ứng cứu khi có biến động xảy ra. Công tác vệ sinh môi trường cũng được các phường thực hiện.

Nhìn chung, trên địa bàn quận Hải Châu không có thiệt hại về người và của. Chỉ riêng phường Hòa Cường Nam nước sông dâng lên tràn vào nhà. Tại phường Thuận Phước, một số cây bị gãy đổ. Đến nay, công tác khắc phục được xử lý kịp thời.

Đến 16 giờ ngày 9-11, trên địa bàn quận Cẩm Lệ, công tác khắc phục trận lũ lụt cơ bản đã xong. Trụ sở UBND các phường Hòa Xuân, Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông bị ngập nay đã hoạt động trở lại bình thường. Ông Trần Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết trên địa bàn có 1 người chết là anh Mai Quốc Lập bị ngã xuống kênh Yên Thế. Hiện tại, nhiều phường bị mất điện sinh hoạt, vùng ngập lụt thiếu nước sinh hoạt nên cần giải quyết ngay.

UBND quận Thanh Khê cho biết, sau khi nước rút, hầu hết các hộ dân đã trở về nhà dọn dẹp đồ đạc. Trước đó, phường Thanh Khê Tây có 25 hộ dân nhà bị ngập nước được bố trí vào chung cư Thanh Khê Tây và ở tạm trụ sở UBND phường; 39 hộ dân ở tổ 5 và tổ 30 bị ngập nặng được di dời đến các nhà lân cận. Phường Hòa Khê có 20 hộ trước chợ Thanh Khê 1 bị ngập, một số đoạn đường như Hà Huy Tập, trước cổng trường Huỳnh Ngọc Huệ, Huỳnh Thúc Kháng còn ngập nước, học sinh được nghỉ học vào ngày 8-11. Tại phường An Khê, hầu hết nhà ở khu dân cư Phần Lăng 1 và 2 đều bị ngập sâu. Có khoảng 30 hộ bị ngập nặng phải di dời. Hồ điều tiết Thạc Gián và Vĩnh Trung nước đã rút xuống, việc đi lại và sinh hoạt của người dân đã tương đối thuận lợi.

Những ngày qua mưa lớn ở hầu hết các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên khiến nhiều địa bàn giao thông bị chia cắt. Một số tuyến đường thư bị chậm khoảng 1-1,5 giờ đồng hồ chủ yếu kẹt tại địa phận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Trung tâm Khai thác và vận chuyển thuộc Bưu điện thành phố Đà Nẵng đã chủ động chuẩn bị nhiều phương án phối hợp với các bưu điện tỉnh, thành phố bảo đảm hàng hóa được lưu thông thông suốt. Đến sáng 9-11, trung tâm đã giải phóng hết thư, bưu phẩm. Các CBCNV trung tâm cũng túc trực 24/24 giờ để bốc dỡ hàng hóa kịp thời phòng khi nước mưa ngập vào.

Đại diện Viễn thông Đà Nẵng cũng cho biết trong nhiều ngày qua, tình hình mưa lũ khiến các xã thuộc huyện Hòa Vang như Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc… bị mất điện, một số trạm phát sóng phải ngừng hoạt động. Một số trạm thông tin vẫn bảo đảm thông suốt do có bình ắc quy dự phòng và nhiều trạm phủ sóng gần nhau nên thông tin không bị gián đoạn.

* Theo tin từ Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đến ngày 9-11, đã có 22 người chết do lũ, trong đó Thừa Thiên-Huế 1, Đà Nẵng 3, Quảng Nam 17, Quảng Ngãi 1. Thống kê sơ bộ ban đầu đã có 33 ngôi nhà bị sập, hư hỏng nặng, 659ha lúa bị ngập úng nhiều ngày, 2.852ha hoa màu bị hư hại, hàng trăm ha ao nuôi trồng thủy sản bị mất trắng. Hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng khá lớn, ước hàng chục nghìn m3 đất đá bị cuốn trôi.

Tại Đà Nẵng, có 17.518 hộ trên địa bàn 29 xã, phường của 6 quận, huyện bị ngập, trong đó nặng nhất là huyện Hòa Vang với 12.557 hộ của 97 thôn trên địa bàn 11 xã. 164 phòng học bị ngập. Di dời 4.140 hộ. Đất canh tác bị bồi lấp 10,1ha, hoa màu bị thiệt hại 91ha, khối lượng đất đá trên các tuyến giao thông, kênh mương thủy lợi bị lũ cuốn trôi ước hàng chục nghìn m3…  

Trong đợt lũ này, tàu ĐNa 0172 của ông Võ Văn Trung ở tổ 18 P. Khuê Trung (Cẩm Lệ) bị chìm  trên sông Hàn. Ngoài ra, các tàu ĐNa 0653 của ông Võ Văn Quân, trú tổ 48 P. Khuê Trung và 2 tàu cá mang số hiệu BĐ 90591, BĐ 96291 của ngư dân Bình Định đang neo đậu trên sông Hàn đứt dây neo, bị lũ cuốn trôi ra hướng biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã điều động 1 tàu và 1 ca nô cùng 10 cán bộ, chiến sĩ, đồng thời trưng dụng 1 tàu kéo đang phục vụ thi công cầu Rồng tiến hành cứu nạn thành công 3 tàu bị trôi dạt nêu trên.  

* Theo tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm cấp 6, cấp 7, giật cập 8 đang di chuyển theo hướng giữa đông và đông bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Dự báo đến 7 giờ sáng nay 10-11, vị trí áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ vĩ bắc, 114 độ kinh đông, phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc, vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

* Ảnh hưởng của mưa lũ trong 3 ngày qua, lượng hàng hóa về các chợ ở Đà Nẵng ít, vì vậy, giá cả có nhích nhẹ so với những ngày trước, đặc biệt là các chợ nhỏ trong khu dân cư. Tại một số chợ ở huyện Hòa Vang như chợ Túy Loan (Hòa Phong), An Ngãi Tây (Hòa Sơn), chợ Hòa Liên, mưa lớn ngập nhiều tuyến đường, giao thông đi lại khó khăn cho nên chợ khá vắng vẻ. Tuy vậy, thị trường hàng hóa thực phẩm thiết yếu không thiếu, do các cửa hàng, siêu thị, chợ đã có hàng dự trự từ nhiều ngày trước.  (Trọng Hùng - Thanh Tình - Duyên Anh - Nguyễn Cầu - Nam Phương)
 
;
.
.
.
.
.