.

Thu gom chất thải công nghiệp: Nhiều doanh nghiệp trốn tránh

.

Theo Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng), trong tổng số hơn 300 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng, Hòa Cầm, Thọ Quang và Cụm công nghiệp Thanh Vinh, chỉ có 219 DN ký hợp đồng với đơn vị để thu gom và xử lý chất thải công nghiệp (CTCN). Vậy, những DN không ký hợp đồng thu gom, CTCN  sẽ được đổ đi đâu?

Mô tả ảnh.
Trong tổng số 130 DN tại KCN Hòa Khánh vẫn còn khoảng 40 DN chưa ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải công nghiệp.

 

Do nhận thức

Ông Nguyễn Thành Sanh, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp cho rằng, hiện nay công tác thu gom, phân loại và lưu giữ CTCN của DN hoạt động trong KCN nhìn chung còn nhiều bất cập, chỉ một số ít thực hiện đúng theo quy định, nhiều DN vẫn xem CTCN là phế liệu và buôn bán bình thường. Cũng theo ông Sanh, nhận thức của các chủ DN về CTCN không tốt, có chủ DN hầu như không quan tâm hoặc không quản lý vấn đề này mà giao phó cho cán bộ quản lý, một số khác có quan tâm nhưng chỉ quan tâm đến các giá trị kinh tế của chất thải.

Điều này dẫn đến nhiều chất thải nguy hại không được thu gom xử lý mà đổ vào rác thải sinh hoạt hoặc được mua bán trôi nổi trên thị trường. Phổ biến là tình trạng các DN kết hợp với các chủ mua bán phế liệu đưa rác ra ngoài đổ bừa bãi tại các khu dân cư hoặc ngoài vành đai của các KCN.

Tuyên truyền và kiểm tra

 

Theo thống kê tại KCN Hòa Khánh, khối lượng chất thải rắn công nghiệp trong năm 2008 là 22.931 tấn/năm, tương đương với 63,70 tấn/ngày. Chất thải rắn công nghiệp nguy hại là 4.580,20 tấn/năm, tương đương với 12,74 tấn/ngày. Khối lượng này trong năm 2009 tăng lên 25.224,10 tấn chất thải rắn công nghiệp và 5.044,82 tấn chất thải rắn nguy hại và theo dự báo, đến năm 2020, khối lượng chất thải rắn công nghiệp sẽ tăng lên hơn 200.000 tấn và hơn 43.000 tấn chất thải rắn công nghiệp nguy hại. Trong khi đó, khối lượng chất thải công nghiệp do Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp thu gom tại 6 KCN đạt khoảng 18 tấn/ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ nhiều DN không chịu ký hợp đồng trong việc thu gom và xử lý rác thải, chất thải rắn là do có mặt bằng rộng nên chôn lấp rác tại chỗ để giảm chi phí, số DN còn lại thuê các DN vận tải chở đi nơi khác đổ. Hiện việc xử lý CTCN ở các KCN đang diễn ra khá lộn xộn, có nhiều đơn vị thu gom và xử lý. Tình trạng các DN giao khoán hợp đồng xử lý rác thải cho các cơ sở đảm nhiệm thiếu sự kiểm tra, giám sát. Các cơ sở thu gom chất thải từ nhà máy, xí nghiệp về phân loại, những chất có thể tái chế được thì tận dụng, còn chất thải độc hại thì thải ra môi trường hoặc trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt rồi đem chôn lấp, gây tác hại nghiêm trọng về môi trường.

 

Một nguyên nhân nữa khiến các DN “né” việc xử lý các loại chất thải đó là lý do kinh tế. Tuy nhiên, nếu đem so sánh giữa việc ký hợp đồng với một đơn vị có chức năng xử lý các loại chất thải này và việc DN tự đầu tư trang thiết bị, con người để vận hành các nhà máy xử lý chất thải thì việc giao khoán cho đơn vị chức năng xử lý sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều. Bởi hiện nay, giá thành xử lý các chất thải thông thường chỉ dừng lại ở mức 5 - 7 ngàn đồng/m3; 4 - 5 triệu đồng/tấn  đối với các chất loại chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc từ  5 - 7 triệu đồng/tấn chất thải rắn công nghiệp nguy hại. 

Để giải quyết các vấn đề trên, theo ông Sanh, các cơ quan chức năng của thành phố cần phải tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các lớp tập huấn, biên soạn tài liệu hướng dẫn quản lý chất thải nguy hại phát cho DN; xây dựng các mô hình quản lý chất thải và triển khai trên toàn địa bàn để qua đó chấn chỉnh việc thu gom vận chuyển; phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra các DN hoạt động trong lĩnh vực thu gom vận chuyển CTCN, bao gồm DN thu gom vận chuyển chất thải nguy hại và thu gom vận chuyển CTCN thông thường.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.