.

Khó khăn của Trạm xử lý nước thải

.

Với nhiệm vụ là xử lý nước thải (XLNT), giải quyết tình trạng ô nhiễm tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản (KCN DVTS) Đà Nẵng, vậy nhưng Công ty TNHH Khoa học và công nghệ môi trường Quốc Việt (Công ty Quốc Việt) lại liên tục gây ô nhiễm môi trường và bị xử phạt khi Trạm XLNT  gặp sự cố.
 

Kể từ khi đi vào hoạt động, Trạm XLNT KCN DVTS Đà Nẵng liên tục gặp sự cố.
Kể từ khi đi vào hoạt động, Trạm XLNT KCN DVTS Đà Nẵng liên tục gặp sự cố.

Trạm XLNT liên tục bị “treo”

Sau hơn một năm đưa vào hoạt động, Trạm XLNT - KCN DVTS Đà Nẵng liên tục gặp sự cố, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân vùng chung quanh. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng: Từ cuối năm 2010 đến tháng 6-2011, hệ thống XLNT của Trạm XLNT tập trung hoạt động tương đối ổn định do lượng nước thải về khoảng 600-800m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 7-2011, Sở TN-MT đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra đột xuất và phát hiện 5 DN xả trộm nước thải ra môi trường, đã lập biên bản xử phạt với số tiền 895 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các DN này thực hiện đấu nối toàn bộ nước thải đến trạm XLNT tập trung. Từ đây, lượng nước thải về trạm đã tăng đột ngột lên gấp 2-3 lần làm hệ thống XLNT quá tải, dẫn đến nước thải tràn ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có tình trạng quá tải XLNT mà Trạm XLNT tập trung từ khi được đưa vào hoạt động còn phát sinh nhiều vấn đề. Đơn cử như vào giữa tháng 7-2010, sau khi trạm này đưa vào hoạt động được vài ngày thì xảy ra sự cố vỡ bồn chứa khiến nước thải chảy tràn ra ngoài. Nguyên nhân là do bờ thành bể được xây bằng đá hộc và vữa hồ, không có cốt thép. Sau khi tiếp nhận nước thải quá lớn về thì xảy ra sự cố. Tiếp đó vào ngày 3-11-2011, hàng trăm người dân đã bao vây trạm này do mùi hôi thối bốc ra từ trạm gây ô nhiễm môi trường.

Khắc phục đến đâu?

Theo thiết kế, công suất của trạm XLNT này khoảng 2.500m3/ngày đêm, thế nhưng vào những ngày mưa, lượng nước có thể đạt khoảng 4.000 - 6.000m3, vì vậy dẫn đến tình trạng quá tải, nước thải tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường. Về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu cũng xác nhận việc Trạm XLNT tập trung bị quá tải, mặt khác cũng không có thiết bị dự phòng. Và để khắc phục tình trạng trên, Sở TN-MT đã yêu cầu Công ty Quốc Việt sử dụng các biện pháp kỹ thuật để phục hồi hệ thống xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời xử phạt công ty này 150 triệu đồng về hành vi để xảy ra sự cố môi trường tại trạm xử lý.

Đến nay, Công ty Quốc Việt đã hoàn thành bổ sung đường ống dẫn nước thải từ hố ga về bể thu gom, cải tạo bể lắng, lắp đặt bơm tuần hoàn bùn hoạt tính về bể kỵ khí và thiết bị sục khí dự phòng tại bể hiếu khí. Ngoài ra, Công ty Quốc Việt cũng đã tiến hành xây dựng bể thu gom bùn và cải tạo công đoạn khử trùng theo hướng tự động hóa. Do vậy đến thời điểm này, hiện tượng nước thải tràn ra bên ngoài không còn, mùi hôi và chất lượng nước thải sau khi xử lý đã được cải thiện.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài, ông Nguyễn Điểu cho rằng, thành phố nên giao cho Sở TN-MT chủ trì kêu gọi thêm các đơn vị có năng lực tham gia đầu tư mở rộng, nâng công suất trạm XLNT nhằm bảo đảm cho việc xử lý nước thải.

Đánh giá về công nghệ XLNT tại trạm này, ông Điểu cho biết, với công nghệ phân hủy yếm khí nếu bị mất điện hoặc quá tải thì sẽ có mùi hôi thối. Còn về năng lực của Công ty Quốc Việt, ông Điểu cho biết lãnh đạo thành phố đã đi thực tế tại TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra điều kiện của công ty này. Tuy nhiên, khi Công ty Quốc Việt thực hiện dự án xây dựng Trạm XLNT đã không tính toán đến tất cả các tình huống có thể xảy ra, ngay cả chuyện cúp điện.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH

 

;
.
.
.
.
.