Cụm từ “biến đổi khí hậu” (BĐKH) đã không còn xa lạ và việc bảo vệ môi trường trái đất, chống biến đổi khí hậu cũng đã được cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn. Ở Đà Nẵng, hàng loạt các giải pháp được thực hiện để chống BĐKH và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Lũ lụt ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, nguyên nhân một phần là do biến đổi khí hậu. |
Thách thức
Theo số liệu thống kê, từ năm 1998 đến 2010, Đà Nẵng đã phải hứng chịu 21 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp, trong khi đó trước năm 1998, mỗi năm Đà Nẵng chỉ có khoảng 1 cơn bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi lượng mưa nên trong 10 năm trở lại đây, lũ xuất hiện sớm hơn và thường xuất hiện bất ngờ, khó dự báo… gây khó khăn cho công tác phòng chống thiên tai. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ở Đà Nẵng, trong 3 yếu tố liên quan đến BĐKH, thì sự biến đổi của lượng mưa ảnh hưởng mạnh nhất đến các loại hình thiên tai và thời tiết nguy hiểm, tiếp theo là sự gia tăng của mực nước biển, nhiệt độ tăng.
Do BĐKH, các vấn đề kinh tế-xã hội dễ bị tổn thương như mất đất, mất nhà, làm hư hại các công trình giao thông, thủy lợi… Các đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH sẽ rơi vào những người dân nghèo, người lao động tự do, các đối tượng thuộc diện tái định cư, phụ nữ đơn thân… Ngoài ra, ngành du lịch, dịch vụ dự kiến sẽ chịu tác động mạnh của BĐKH do các hoạt động liên quan đến ngành này diễn ra chủ yếu ở những địa bàn dễ bị ảnh hưởng của việc BĐKH (như Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) và các công trình, cơ sở hạ tầng tập trung ở khu vực ven biển.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Vài năm trở lại đây, bờ biển bị xâm thực xảy ra đe dọa các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dọc bờ biển thường xuyên hơn. Những năm qua, xâm thực của sóng biển đã làm cho nhà cửa, đất đai và nhiều tài sản khác của người dân bị cuốn ra biển. Điển hình trong những năm qua, hàng trăm hộ dân ở dọc biển Nam Ô luôn phải sống trong nỗi ám ảnh bởi sự xâm thực của sóng biển…
Tận dụng cơ hội
Cũng theo ông Nguyễn Điểu, do tác động của BĐKH, thách thức đang đặt ra đối với nhiều lĩnh vực, nhiều ngành của thành phố, nhưng trong tương lai gần, cơ hội cũng sẽ được mở ra. Cụ thể, trong thời gian qua, nước ta đã thu hút được những nguồn tài trợ lớn từ quốc tế cho các hoạt động phòng chống BĐKH ở Việt Nam. Riêng ở Đà Nẵng, đang triển khai dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH tại thành phố Đà Nẵng” do Quỹ Rockefeller tài trợ với kinh phí 200.000 USD đã bước đầu đánh giá tác động của BĐKH đối với quận Liên Chiểu và Sơn Trà, nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về BĐKH, xây dựng chiến lược tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH và thiên tai thông qua các buổi hội thảo với sự góp mặt của các cơ quan, hội đoàn thể. Đồng thời dự án cũng đã xây dựng và nâng cao năng lực cho người dân tại khu vực quận Liên Chiểu và Sơn Trà về hậu quả, ảnh hưởng và các biện pháp thích ứng của thiên tai dưới tác động của BĐKH.
Ngoài ra, dự án cũng đã vận động viện trợ cho hợp phần tiếp theo nhằm triển khai các hoạt động nghiên cứu và đánh giá về ảnh hưởng của BĐKH ở cấp thành phố. Vì vậy, đối với những hoạt động ứng phó với BĐKH hiện nay, thành phố sẽ có cơ hội rất lớn trong việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các cơ hội tài trợ. Bên cạnh đó, do việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH ở cấp địa phương mới chỉ bắt đầu nên việc đi trước, đón đầu trong hoạt động lập kế hoạch thích ứng với BĐKH là cơ hội để Đà Nẵng xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch ứng phó với BĐKH, đồng thời cũng là cơ hội để các cán bộ địa phương nâng cao năng lực thông qua việc tiếp cận với tri thức mới.
Bài và ảnh: Trọng Hùng