.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

.

10 năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng đã chịu không ít ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trung bình mỗi năm, có từ 3-4 cơn bão, 2-3 đợt áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng cùng với nhiều đợt mưa to đã khiến nhiều công trình, nhà cửa bị hư hỏng nặng, sản xuất nông nghiệp giảm sút, số người chết và bị thương cũng tăng lên. Ngay như trong đợt mưa to vào tháng 11 vừa qua cũng làm 4 người chết và 7 người bị thương, tổng thiệt hại lên đến 85 tỷ đồng.

Thiệt hại do bão lũ gây ra.
Thiệt hại do bão lũ gây ra.

BĐKH đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của mọi người, đặc biệt đối với nông dân “một nắng hai sương” thì các tác động của BĐKH như mưa, gió, bão, lụt… hằng năm càng khiến họ thêm phần khó khăn. Những cư dân sống ven sông, ven biển thì lo lắng của họ càng tăng lên gấp bội khi mùa bão lũ về. Ông Nguyễn Văn Thước, Trưởng phòng Kinh tế quận Liên Chiểu cho biết: “Xác định Liên Chiểu là địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH, trong thời gian qua, nhất là khi có bão lũ tràn về, quận đã chỉ đạo thông tin kịp thời cho bà con. Đồng thời kiểm tra, xử lý các điểm ngập úng, sạt lở, cấp các thiết bị cần thiết như áo phao, đèn pin…, phối hợp di chuyển nhân dân đến nơi an toàn”.

BĐKH ngày càng có những biểu hiện đa dạng, không chỉ có mưa lũ mà hạn hán, cháy rừng cũng xảy ra nhiều hơn. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, khi mà mức độ xâm thực ngày càng lớn, đất nông nghiệp thu hẹp dần, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi bị hư hại, cuộc sống của bà con trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, tuyên truyền nhận thức và phương pháp ứng phó với BĐKH đang là vấn đề cấp thiết.

Thực tế trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng có nhiều biện pháp nhằm ứng phó với BĐKH như việc xây dựng kè các đoạn sông, biển; đầu tư, nâng cấp các hồ chứa nước; tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cộng đồng về xây nhà kiên cố và xây các nhà cộng đồng phục vụ việc tránh bão lũ cho người dân; chủ động xây dựng các đập ngăn mặn, cơ cấu lại mùa vụ cho phù hợp với tình hình khí hậu, mưa bão, hay việc phối hợp di dời kịp thời cho hơn 200 hộ dân ở ven các sông thuộc 2 xã Hòa Bắc và Hòa Ninh đến nơi ở mới an toàn… Các ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, nâng cao nhận thức cũng như đầu tư những công trình kỹ thuật phù hợp nhằm ứng phó với BĐKH.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Đà Nẵng là một trong những địa phương tham gia ứng phó sớm và hiệu quả với những biểu hiện của BĐKH. Bằng các biện pháp, dự án chủ động phòng ngừa và ứng phó tích cực với BĐKH đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai. Không chỉ có các cấp chính quyền, mà ngay cả nhân dân cũng đã ý thức hơn trong việc ứng phó với BĐKH. Vào mùa mưa bão, bà con đã chủ động hơn trong việc chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, thực phẩm… để kịp ứng phó với thiên tai”.

BĐKH là vấn đề lâu dài, đòi hỏi cả cộng đồng phải nỗ lực hơn nữa trong việc phòng ngừa và chủ động ứng phó.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.