.

Đi chợ, sợ vệ sinh

.

Hiện nay, nhiều nhà vệ sinh công cộng ở các chợ ẩm mốc, thiếu ánh sáng, nền nhà đầy nước, bùn, bồn cầu ố vàng, mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Các chợ loại 1 như chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới do tiết kiệm diện tích nên bố trí một số quầy hàng gần nhà vệ sinh, dẫn đến không bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mỹ quan.

Điều này cản trở không ít ngành hàng kinh doanh chịu xui xẻo vì dù có đồ ngon, bán rẻ cũng ít người lui tới. Chị Thanh, bán hàng ở chợ Cồn cho biết: “Mùa mưa nhầy nhụa đã đành, những ngày nắng nóng mùi hôi thối từ bồn cầu bốc lên, chị em tôi còn chịu không nổi nữa huống chi là khách”.

Nhà vệ sinh ở chợ Hàn mới được sửa sang.
Nhà vệ sinh ở chợ Hàn mới được sửa sang.

Nhà vệ sinh phục vụ chủ yếu cho tiểu thương và những người đi chợ, thỉnh thoảng cũng có lượng khách du lịch lớn như chợ Hàn. Dù có người trông coi và thu phí vệ sinh nhưng việc dọn rửa chưa tốt, vì thế nhà vệ sinh mau xuống cấp. Nhà vệ sinh có thu phí tạm được có lẽ mới chỉ có ở chợ Hàn. Cả 2 tầng đang hoạt động đều có nhà vệ sinh rộng chừng 50m2.

Nhà vệ sinh ở tầng 2 vừa được làm lại hoàn chỉnh với kinh phí xây dựng 60 triệu đồng được đưa vào sử dụng từ tháng 11-2011. Hai nhà vệ sinh còn lại ở tầng 1 vừa được Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ đầu tư khoảng 150 triệu đồng để làm mới. Nhà vệ sinh mới có đủ gương, bồn rửa mặt, lỗ thông gió, khăn lau tay… Không phải chợ nào cũng được như chợ Hàn, bởi lẽ kinh phí hiện nay rất eo hẹp để làm nhà vệ sinh. Hiện Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đang sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị để chi cho các chợ trực thuộc. Do đó, việc xã hội hóa đầu tư, chỉnh trang hạ tầng chỉ được thực hiện ở một số khâu.

Chợ siêu thị được giao cho Công ty CP thương mại Nguyễn Kim làm chủ đầu tư và khai thác, đến nay đã đi vào hoạt động được 2 tháng. Nhiều tiểu thương ngành hàng thịt, mì bún rất bức xúc trước tình trạng bụi bặm. Theo ông Phan Thành Thoại, Phó Ban Quản lý chợ Siêu thị Nguyễn Kim thì phản ánh của tiểu thương là đúng. Để khắc phục những hạn chế, công ty đang tiến hành sửa sang, hoàn chỉnh những tồn đọng mà tiểu thương nêu.

Việc giữ gìn môi trường vệ sinh tại các chợ không thể đổ lỗi hết cho đơn vị quản lý. Sạch - bẩn ở đây còn do ý thức người dân. Chị L.T.B, người được giao trông coi nhà vệ sinh của chợ Hòa Khánh bức xúc nói: “Đồng ý là người sử dụng dịch vụ trả tiền, nhưng không có nghĩa là phó mặc mọi dơ bẩn cho chúng tôi. Một ngày có đến vài trăm lượt người “đi”, nhưng rất nhiều người vứt giấy bừa bãi, xả nước không khóa van. Nói nhà vệ sinh chợ đó không sạch một phần cũng do ý thức của người dân nữa”. Cũng như ở chợ Siêu thị Nguyễn Kim, đây là chợ hiện đại nhiều tầng, ở mỗi tầng khi dọn hàng, các tiểu thương đều lau chùi, quét dọn làm bụi, rác từ tầng trên đổ xuống tầng dưới. Thêm vào đó, nhiều khách hàng đi chợ kém ý thức vừa đi thang cuốn vừa ăn uống xả rác bừa bãi xuống cầu thang.

Vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí đánh giá văn minh thương mại chợ. Do vậy, để cạnh tranh khách với các trung tâm thương mại, siêu thị, môi trường chợ cần phải được cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.